Mỹ áp thuế, nhưng Trung Quốc mới là vấn đề lo ngại nhất với thép Việt
Bị hạn chế xuất khẩu thép sang Mỹ không phải điều lo ngại nhất, điều doanh nghiệp Việt quan tâm lúc này là khả năng mất thị phần do thép nhập khẩu giá thấp từ Trung Quốc tràn sang.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_95_51448265/4448e8b6ddf834a66de9.jpg)
Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với toàn bộ thép và nhôm vào Mỹ, cổ phiếu thép đã bị bán tháo mạnh trong phiên hôm qua (ngày 10/2) khiến HPG giảm 4,69%, NKG giảm 3,57%, HSG giảm 4,52%, GDA giảm 4,76%...
Trong phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu thép vẫn chịu áp lực bán. Ngoại trừ HPG hồi phục nhẹ 1%, các mã khác tiếp tục điều chỉnh, với NKG tạm chốt phiên sáng giảm 0,74% về 13.400 đồng/CP; HSG giảm 1,78% về mức giá thấp nhất kể từ tháng 10/2023, tạm đứng tại 16.600 đồng/CP; GDA tiếp tục giảm thêm 1,66% về 23.700 đồng/CP.
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 12,62 triệu tấn thép, tăng 13,47% so với năm trước; giá trị xuất khẩu đạt 9,08 tỷ USD, tăng 8,78%. Hiện Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của thép Việt Nam, chiếm thị phần 13%, xếp sau ASEAN (26%) và EU chiếm 23%.
Vậy nên, chính sách thuế mới của Mỹ sẽ tác động lớn nhất đến các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm sắt thép sang nước này cao.
Theo ông Trịnh Viết Hoàng Minh, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), đối với HPG, tỷ trọng xuất khẩu chỉ chiếm 30% tổng doanh thu, trong đó xuất sang Mỹ chiếm khoảng 5 - 10% doanh thu xuất khẩu. Vì vậy, tổng quan, doanh thu xuất khẩu thị trường Mỹ chỉ chiếm 1,5 - 3,0% tổng doanh thu của HPG, đồng nghĩa mức độ ảnh hưởng trực tiếp từ hàng rào thuế quan của Mỹ lên HPG khá thấp.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng gián tiếp của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đến lợi nhuận của HPG lại ở mức trung bình. Nguyên nhân, nếu HSG và NKG, 2 công ty tiêu thụ lượng lớn HRC của HPG, đồng thời có tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ cao - gặp khó khăn về thuế quan dẫn tới suy giảm nhu cầu mua HRC đầu vào.
Đối với sản phẩm tôn mạ, NKG chịu tác động lớn hơn HSG vì tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao hơn (chiếm 40 - 60% doanh thu và thị trường Mỹ đứng thứ 3 sau châu Á và châu Âu). Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 40 - 50% tổng doanh thu của HSG, và thị trường Mỹ chiếm khoảng 15 - 20% doanh thu xuất khẩu.
Riêng với GDA, dựa trên dữ liệu của HSC, ước tính tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ trên tổng giá trị xuất khẩu của GDA là 35%, sẽ tác động mạnh tới doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, các thành viên thị trường nhận thấy, vấn đề đáng lo ngại lớn nhất lúc này không xuất phát từ thị trường Mỹ, mà là hệ quả từ chính sách thuế của Trump gây ra.
Theo một chuyên gia phân tích lâu năm trên thị trường, trong thời gian qua, nhận thấy rõ vấn đề thép Trung Quốc dư cung do cầu yếu đã khiến giá thép thế giới và Việt Nam bị tác động mạnh. Như vậy, nếu Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu thép qua Mỹ do thuế cao thì lượng lớn thép đó sẽ tràn vào các quốc gia xung quanh, bao gồm cả Việt Nam khiến doanh nghiệp trong nước có thể thua ngay trên sân nhà.
“Đây mới là điều các doanh nghiệp thép lo ngại, thay vì như chúng ta đang đánh giá là doanh nghiệp bị hạn chế xuất khẩu sang Mỹ”, vị chuyên gia nói.
Năm 2024, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam đạt khoảng 17,7 triệu tấn với trị giá hơn 12,58 tỷ USD, tăng 32,9% về lượng và tăng 20,6% về giá trị so với năm 2023. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp thép lớn nhất cho Việt Nam, đạt 11,9 triệu tấn, tương đương gần 7,5 tỷ USD, chiếm 67,36% tổng lượng và 59,5% về giá trị, cách rất xa so với thị trường đứng thứ hai là Nhật Bản với 12,36%.
Con số trên cũng cho thấy xu hướng Việt Nam đang tăng nhập khẩu sắt thép Trung Quốc so với năm 2023 đạt 8,2 triệu tấn, tương đương hơn 5,6 tỷ USD, chiếm 62% trong tổng lượng và chiếm 54% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của nước ta.
Lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm phần lớn chủ yếu do giá bán từ thị trường này thấp hơn các thị trường khác, xuất phát từ thực tế dư cung. Tiêu thụ thép nội địa Trung Quốc đang giảm do cuộc khủng hoảng kéo dài trên thị trường bất động sản, buộc các nhà sản xuất thép nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu thép với giá thấp để giải phóng bớt hàng tồn kho.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang rất kỳ vọng động lực từ thị trường nội địa, khi nhiều dự án lớn được triển khai sẽ kích thích tiêu thụ thép, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Vậy nên, điều lo ngại lúc này chính là ngành thép Việt đang có nguy cơ bị mất thị phần do thép nhập khẩu giá thấp từ Trung Quốc tràn sang.