Từ năm 2025, nhà đầu tư đang 'ôm' chung cư sẽ rất rủi ro
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cảnh báo người dân đang 'ôm' chung cư rất rủi ro và cảnh báo các chủ đầu tư không đẩy giá tạo mặt bằng giá cao, bởi nếu thị trường mất thanh khoản, ngân hàng cũng không đủ lực để 'đỡ'.
Tín dụng bất động sản vẫn tăng cao
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, năm 2024, tín dụng bất động sản tăng hơn 20%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành, đạt quy mô hơn 2 triệu tỷ đồng.
![Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_72_51448300/583119cf2c81c5df9c90.jpg)
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Không chỉ năm 2024 mà trong bất kỳ bối cảnh nào - kể cả trong thời điểm ngành bất động sản khó khăn nhất, tốc độ tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực này vẫn luôn ở mức cao, cho thấy ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp bất động sản.
“Nguồn vốn của ngân hàng luôn đồng hành với những doanh nghiệp làm ăn kinh doanh có tiềm lực, đầu tư Dự án minh bạch, rõ ràng. Tôi đảm bảo những Dự án, doanh nghiệp đó sẽ được tiếp cận vốn cho vay thuận lợi. Năm 2025 và năm tiếp theo, ngành ngân hàng sẽ vẫn luôn đồng hành với doanh nghiệp, nguồn vốn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vốn đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, ngành ngân hàng chỉ đầu tư vốn ngắn hạn, còn vốn trung dài hạn phải thông qua thị trường vốn (trái phiếu, chứng khoán)”, ông Hùng khẳng định.
Dù vậy, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng thừa nhận, nhiều doanh nghiệp bất động sản tiếp cận vốn vẫn còn khó khăn, bao gồm cả vốn ngân hàng lẫn vốn trái phiếu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vừa chịu áp lực trả nợ ngân hàng, vừa phải đáo hạn trái phiếu. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào tính pháp lý của dự án, nếu dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý thì huy động vốn rất khó.
Theo chuyên gia, hiện nay, có tình trạng doanh nghiệp huy động trái phiếu để đầu tư vào các dự án pháp lý chưa hoàn thiện, dẫn đến nguồn trả nợ trái phiếu rất khó khăn. Để có nguồn trả nợ, doanh nghiệp nâng giá bán của 5 dự án đã hoàn thiện pháp lý, dẫn tới nhiều hệ lụy cho thị trường.
“Nếu chủ đầu tư cứ đẩy giá nhà lên cao, kỳ vọng vào giá ảo, giao dịch ảo mà không đánh giá đúng thì đến một thời điểm nào đó thị trường sẽ không có thanh khoản, ngân hàng cũng sẽ không “gánh” được”, ông Hùng nói.
Về vấn đề vốn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) thừa nhận, hiện nay, các nhà đầu tư bất động sản trên thị trường đang phụ thuộc hơn 50% nguồn vốn tín dụng. Do đó, ông Đính cho rằng, ngành ngân hàng cần đưa ra những chính sách tích cực cho thị trường, hạn chế những chính sách thắt chặt hay kiểm soát tín dụng quá đà.
Điều bất cập nhất hiện nay, theo ông Đính, là tín dụng chủ yếu rót vào các dự án phân khúc cao cấp, khiến thị trường bất động sản bị “lệch pha” về cơ cấu. Bên cạnh đó, do thị trường trái phiếu, cổ phiếu còn khó khăn nên cần thành lập các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ phát triển bất động sản… giúp doanh nghiệp có nhiều kênh tiếp cận vốn hơn. Vấn đề này đã được đặt ra từ hơn 10 năm trước, song vẫn chưa thể triển khai do vướng hành lang pháp lý.
Người dân “ôm” chung cư đang rất rủi ro
Từ thực tế cho vay của ngành ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hiện nay, nhiều người mua đất động sản là vì phục vụ mục đích đầu cơ. Vì vậy, dù giá nhà cao thì nhiều người vẫn lao vào mua do kỳ vọng giá sẽ tăng tiếp, sau đó bán đi kiếm lời. Tâm lý kỳ vọng này đẩy giá nhà tăng cao. Nhưng đây là rủi ro lớn cho tương lai, không chỉ cho người dân có nhu cầu mua nhà ở thật mà cho cả nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ông Hùng cảnh báo người dân đang “ôm” chung cư với tâm lý kỳ vọng giá chung cư chỉ có tăng chứ không giảm sẽ gặp rủi ro lớn, bắt đầu từ năm 2025 này. Bởi thời gian tới, khi Chính phủ triển khai Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, thị trường bất động sản sẽ về đúng bản chất.
“Ngân hàng cứ cho vay, nhà đầu tư cứ mua nhà, người mua sau chênh giá người mua trước, người mua cuối cùng sẽ gánh chịu hậu quả lớn”, ông Hùng cảnh báo.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, Chính phủ đã có giao chỉ tiêu, có nhiều giải pháp đốc thúc và chắc chắn mục tiêu 1 triệu căn hộ sẽ khả thi. Hiện ngành ngân hàng cũng đã sẵn sàng dành nhiều nguồn lực có các gói mức vay ưu đãi lãi suất thấp để thực hiện Đề án này.