Không cấm dạy thêm, nhưng phải hạn chế tiêu cực
Đó là kỳ vọng của hầu hết cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh, học sinh... khi tham gia phản biện xã hội đối với Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh vừa được Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tại các huyện Tây Hòa, Sơn Hòa và TP Tuy Hòa. Đây là dự thảo quyết định nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, vì không chỉ liên quan đến công tác GD-ĐT mà còn liên quan đến quyền lợi của học sinh, phụ huynh và đội ngũ giáo viên.

Giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa) tham gia góp ý tại hội nghị phản biện xã hội về hoạt động dạy thêm học thêm. Ảnh: THÚY HẰNG
Cần cụ thể và chặt chẽ hơn
Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định dạy thêm, học thêm (DTHT) do Sở GD&ĐT soạn thảo trên cơ sở của Thông tư 29 quy định về DTHT của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Nội dung dự thảo nêu rõ phạm vi áp dụng cho người dạy thêm, người học thêm; tổ chức, cá nhân tổ chức DTHT với các nội dung: Trách nhiệm của UBND các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quy định về DTHT; việc quản lý và sử dụng kinh phí tổ chức; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động DTHT trên địa bàn tỉnh.
Thầy Nguyễn Ngọc Phát, giáo viên Toán Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa) chia sẻ: Thông tư 29 về DTHT đã đưa ra nhiều quy định mới nhằm loại bỏ những tiêu cực trong việc DTHT. Với quy định hiện tại, nếu giáo viên muốn dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thông qua bên thứ ba, tham gia dạy thêm tại một cơ sở dạy thêm đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Sự mới mẻ này, ban đầu có thể làm giáo viên dạy thêm gặp khó khăn, vì trước đây giáo viên thường mở lớp dạy thêm theo nhu cầu của học trò và phụ huynh. Còn bây giờ có những tổ chức hoặc cá nhân đứng ra mở cơ sở dạy thêm và giáo viên đăng ký đến dạy thì tất nhiên không chủ động bằng trước đây. Nhưng về lâu dài, việc này sẽ trở thành hoạt động chuyên nghiệp và việc DTHT có tổ chức quản lý không chỉ giúp giáo viên thoải mái tư tưởng trong dạy thêm mà còn giúp Nhà nước có thể quản lý tốt công tác DTHT trong và ngoài trường học. “Đối với hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, yêu cầu phải minh bạch pháp lý, công khai thông tin và nghiêm cấm giáo viên dạy thêm bên ngoài có thu tiền với học sinh chính khóa của mình”, thầy Phát nói.
Ông Nguyễn Tri Phương, một phụ huynh ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) có 2 con đang học THCS và THPT bày tỏ: Hầu hết học sinh đều có nhu cầu học thêm để nâng cao kiến thức. Nếu cấm dạy thêm trong nhà trường thì học sinh sẽ học thêm ngoài nhà trường. Điều tôi và nhiều phụ huynh khác quan tâm lúc này là về mức thu học phí tổ chức DTHT ngoài nhà trường. Theo quy định tại dự thảo “mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm”, nhưng trên thực tế, cha mẹ học sinh, học sinh không có cơ hội “thỏa thuận” với người dạy thêm hoặc cơ sở dạy thêm. Vì người dạy thêm hoặc cơ sở dạy thêm quyết định đưa ra mức giá, còn phụ huynh chấp nhận thì cho con em mình theo học, không chấp nhận thì thôi. “Theo tôi, dự thảo cần bổ sung các cách thức thỏa thuận và hình thức công khai mức thu học phí học thêm ngoài nhà trường để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của phụ huynh nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của dự thảo”, ông Phương đề nghị.
Nhiều phụ huynh và học sinh ở TP Tuy Hòa cho rằng, dự thảo quyết định của UBND tỉnh về DTHT cần bổ sung quy định về sĩ số lớp, thời gian DTHT, điều kiện cơ sở vật chất các lớp học thêm ngoài nhà trường trên cơ sở nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tế tại tỉnh, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Mặt khác, dự thảo cũng nên có các quy định cụ thể về tiêu chí, cách thức xác định, đánh giá năng lực và phẩm chất của các giáo viên dạy thêm, cơ sở tổ chức dạy thêm nhằm giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, phụ huynh và học sinh có cơ sở để lựa chọn và đánh giá các tổ chức, cá nhân này.
Siết lại kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp
Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT không cấm dạy thêm chỉ cấm dạy thêm tiêu cực, trái phép, giúp việc quản lý tốt hơn. Theo tìm hiểu của người viết, các cơ sở giáo dục đã thực hiện khá tốt những quy định mới về dạy thêm trong nhà trường. Tuy vậy, đối với dạy thêm ngoài nhà trường, dù Thông tư 29 quy định giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không được dạy học sinh chính khóa có thu tiền; đồng thời giáo viên phải báo cáo hiệu trưởng về hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian dạy thêm...; song thực tế thời gian qua, một số giáo viên trường công lập vẫn đang tìm cách “lách” Thông tư 29 bằng cách ký hợp đồng giảng dạy với các trung tâm để dạy thêm học sinh của mình tại trung tâm. Những vấn đề phát sinh trong dạy thêm ngoài nhà trường nêu trên, khiến nhiều đại biểu tham gia hội nghị phản biện đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý của nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước và những giải pháp để ngăn chặn triệt để vấn nạn dạy thêm ngoài nhà trường cho học sinh chính khóa.
DTHT là vấn đề được nhiều người quan tâm. Do đó, Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định DTHT trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc triển khai Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, cơ quan soạn thảo cần tuân thủ quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các căn cứ pháp lý, các vấn đề liên quan đến quyền dạy và học chính đáng của thầy và trò; đặc biệt phải phù hợp thực tế, hài hòa với các quy định pháp luật về tài chính, ngân sách và các quy định khác, tạo được sự đồng thuận xã hội.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh
Bà Võ Thị Minh Duyên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Ngay sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, Sở GD&ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên các trường nghiêm túc thực hiện các quy định của thông tư này. Ngành cũng đã kiểm tra một số cơ sở dạy thêm để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở.
Ở góc độ nhà trường, lãnh đạo các trường thẳng thắn nhìn nhận: Hiệu trưởng chỉ quản lý giáo viên của mình tham gia dạy thêm ở bên ngoài nhà trường dựa trên cơ sở báo cáo của giáo viên. Trong đó, hiệu trưởng yêu cầu giáo viên phải cam kết không dạy thêm đối với học sinh chính khóa của mình, còn thực tế nhà trường không đủ khả năng và nguồn lực để kiểm soát được giáo viên của mình có dạy thêm học sinh chính khóa và thu tiền ở bên ngoài nhà trường hay không.
Nghề giáo được xã hội xem là nghề cao quý, không chỉ dạy kiến thức mà còn là tấm gương mẫu mực về chấp hành nghiêm kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về pháp luật... nên việc giáo viên dạy thêm trái phép là điều khó có thể chấp nhận. Vì vậy, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh rất kỳ vọng quy định DTHT của UBND tỉnh sau khi ban hành sẽ giúp hoạt động này đi vào nền nếp, siết lại kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, đồng thời giảm áp lực và chi phí không cần thiết cho phụ huynh.