Không cần thiết lùi thời hạn sàn TMĐT nộp thuế thay người bán
Từ ngày 1/4/2025, các sàn thương mại điện tử phải thực hiện nghĩa vụ khấu trừ thuế thay cho các hộ và cá nhân kinh doanh tuy nhiên đến nay còn nhiều vướng mắc về trách nhiệm, nghĩa vụ thuế của các bên.
Sàn thương mại điện tử lúng túng
Từ ngày 1/4/2025, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) phải thực hiện nghĩa vụ khấu trừ thuế thay cho các hộ và cá nhân kinh doanh, theo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đã được Quốc hội thông qua vào ngày 29/11/2024. Đây được xem là bước đi cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, ngăn chặn thất thu và đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp.
Anh Vũ Hữu Hảo - nhà sáng lập thương hiệu Weekase, hộ kinh doanh trên Shopee cho biết, việc sàn TMĐT khấu trừ và nộp thuế thay không chỉ giúp người bán hàng giảm bớt gánh nặng thủ tục mà còn mang lại sự minh bạch, rõ ràng trong quá trình kinh doanh.
“Với những hộ kinh doanh không có bộ phận chuyên trách về thuế, việc tự kê khai hàng tháng dễ gây ra sai sót, thậm chí chậm tiến độ, gây ra thêm những khoản phạt không đáng có. Nếu sàn thực hiện thay, chúng tôi chỉ cần tập trung vào bán hàng và phát triển thương hiệu, không phải lo lắng về các vấn đề về thuế”, anh Hảo chia sẻ.

Gian hàng online của anh Hảo trên sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, đến nay, cơ quan quản lý thuế vẫn chưa công bố các quy định và cách thức triển khai cụ thể đối với các sàn thương mại điện tử và hộ kinh doanh.
Ngay trước thời điểm áp dụng cơ chế mới, Shopee đã gửi thông báo đến người bán hàng về việc tạm hoãn thực hiện khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay từ ngày 1/4/2025, với lý do chưa có hướng dẫn chi tiết về phạm vi trách nhiệm, cách thức kê khai, nộp thuế và hoàn thuế vẫn chưa có quy định rõ ràng.

Shopee thông báo tạm hoãn khấu trừ, nộp thuế thay vì chưa có hướng dẫn chi tiết (Ảnh chụp màn hình).
Trước đó, ngày 24/3, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cũng đã gửi kiến nghị hoãn thời điểm thực hiện xuống ngày 1/7/2025 do còn rất nhiều vướng mắc chưa được làm rõ liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, nghĩa vụ thuế của hộ, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là các nội dung về kê khai và hoàn thuế.
Theo VECOM, 3 văn bản luật với 3 thời điểm hiệu lực khác nhau đang khiến doanh nghiệp lúng túng trong việc thực thi chính sách thuế.
Cụ thể, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) yêu cầu sàn TMĐT khấu trừ, nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh từ ngày 1/4/2025. Trong khi đó, quy định tương tự tại Luật Thuế Thu nhập cá nhân lại có hiệu lực từ 1/1/2025, còn Luật Thuế GTGT lại áp dụng từ 1/7/2025.
Chính vì thế, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam đã kiến nghị hoãn lại 3 tháng, tức đến ngày 1/7/2025 để phù hợp với Luật Thuế GTGT, cũng như có thêm thời gian để chuẩn bị.
Trước thông tin trên, anh Vũ Hữu Hảo cho rằng, nếu đề xuất của VECOM được thông qua, đó sẽ là tín hiệu tích cực đối với cả chủ sàn và người bán trên các nền tảng TMĐT.
“Theo tôi, các chủ hàng sẽ rất vui nếu thời hạn áp dụng quy định này được lùi lại, giúp họ có thêm thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng về cách triển khai. Chúng tôi cũng mong chờ các hướng dẫn chi tiết hơn từ cơ quan quản lý để thực hiện một cách hiệu quả”, Founder Weekase nhấn mạnh.
Là người cung cấp các dịch vụ trên sàn TMĐT, ông Nguyễn Trung Kiên, nhà sáng lập Tuki Group bày tỏ sự đồng tình với kiến nghị lùi thời điểm áp dụng. Theo ông, cần có thời gian để các cấp chính quyền phổ biến đến các sàn TMĐT.
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có văn bản nào sửa đổi hoặc thay thế quy định về việc sàn TMĐT phải khấu trừ, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Đồng thời, đề xuất lùi thời hạn thực hiện cũng chưa được chấp thuận.
Các bên cần hiểu đúng và sẵn sàng thực hiện
Trái ngược với các quan điểm trên, các chuyên gia thuế lại cho rằng không có lý do hợp lý để xin trì hoãn.
Ths. Nguyễn Văn Được, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín khẳng định: "Chắc chắn ban đầu sẽ có khó khăn, nhưng không thể vì khó mà trì hoãn. Nếu không triển khai thì bao giờ mới có thực tiễn để điều chỉnh?".
Theo ông Được, các sàn chưa phải kê khai thuế ngay từ ngày 1/4/2025 mà hạn chót là ngày 20/5/2025. Nghĩa là, các sàn TMĐT vẫn có hơn một tháng để hoàn thiện hệ thống và thực hiện nghĩa vụ của mình.

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được cho rằng không nên lùi thời hạn nộp thuế thay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho rằng không có sự khác biệt đáng kể giữa mốc thời gian 1/4 hay 1/7.
"Luật Quản lý thuế quy định về việc thu thuế thay, trong đó bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế GTGT. Hai loại thuế này vốn được thu đồng thời, nên áp dụng từ 1/4 là hợp lý", ông Phụng phân tích. Theo ông, việc thu thuế sớm thậm chí còn có lợi hơn.
Về mặt kỹ thuật, chuyên gia cũng chỉ ra rằng, hệ thống TMĐT hiện nay đã có điều kiện cơ bản để thực hiện. Việc khấu trừ thuế thực chất là bước bổ sung trong quy trình vận hành, chứ không phải một cuộc "đại tu" về công nghệ.
Mấu chốt vấn đề nằm ở tâm lý. Người bán và các sàn TMĐT chưa quen với quy định mới, dẫn đến lo ngại.
Do đó, giải pháp quan trọng nhất lúc này là tuyên truyền rõ ràng, giải thích cụ thể để các bên hiểu đúng và sẵn sàng thực hiện.
Giải pháp nào cho “bài toán” rối ren?
“Bài toán” đặt ra lúc này không chỉ là hoãn hay không hoãn, mà là làm sao để triển khai đúng hạn mà không gây xáo trộn.
Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, các cơ quan thuế cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết để các bên có cơ sở thực hiện.
“Cần sớm có hướng dẫn rõ ràng để các sàn và người bán hiểu đúng, triển khai đúng", ông Phụng nhấn mạnh.
Theo ThS. Nguyễn Văn Được, những vấn đề như doanh thu khấu trừ, thời điểm khấu trừ, tỷ lệ thuế, quyền và nghĩa vụ của các bên cần được làm rõ để tránh mỗi nơi hiểu một kiểu, gây khó khăn trong triển khai.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, tuyên truyền và hướng dẫn trực tiếp cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các sàn TMĐT trong việc phổ biến quy định, giải đáp thắc mắc, việc thực thi sẽ trở nên thuận lợi.
Về lâu dài, việc thực hiện đúng hạn chính sách khấu trừ thuế không chỉ đơn giản là việc tuân thủ một luật lệ, mà còn là cam kết của Chính phủ trong việc tạo dựng một môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch cho tất cả các doanh nghiệp, bất kể lớn hay nhỏ.