Không cào bằng biên chế

Thời gian gần đây, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hàng loạt diễn ra khá phổ biến, nhất là những lĩnh vực, vị trí, địa bàn chịu nhiều áp lực về công việc, nhiều rủi ro trong thi hành công vụ hoặc ở các vị trí không thể vào biên chế chính thức (không chuyên trách)...

Trước thực tế này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và có nhiều biện pháp để hạn chế, giải quyết tình trạng trên. Tuy nhiên, vẫn chưa có chuyển biến và tình trạng cán bộ, công chức xin nghỉ việc vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, nhất là ở các phường/xã ở TP. Hồ Chí Minh…

Để giải quyết tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc hàng loạt trước hết cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, bất cập, kẻ hở, "lỗ hỏng", nhất là nhiều cách hiểu khác nhau trong cùng một vấn đề... nhằm hạn chế rủi ro, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ được giao. Cùng với đó, sớm thể chế hóa quy định của Đảng về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; hoàn thiện cơ chế về đấu thầu mua sắm tài sản công, đấu thầu xây lắp công trình, hạ tầng giao thông... Điều này tạo sự yên tâm cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, tránh tình trạng cán bộ sợ sai mà "không dám nghĩ, không dám làm" ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, gây hệ lụy tiêu cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương, đất nước.

Nhiều nhân viên y tế nghỉ việc vì áp lực công việc. Nguồn: ITN

Nhiều nhân viên y tế nghỉ việc vì áp lực công việc. Nguồn: ITN

Bên cạnh đó, không nên khống chế, phân bổ biên chế công chức, viên chức theo đơn vị hành chính một cách cứng nhắc mà cần phải thật sự linh hoạt. Trong đó, phải căn cứ vào quy mô dân số, mật độ dân cư và nhu cầu thực tế của địa bàn để phân bổ biên chế, số người làm việc phù hợp. Thực tế cho thấy, có sự cào bằng, rập khuôn, máy móc trong phân bổ biên chế được, đơn cử xã Vĩnh Lộc A (Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) dân số khoảng 164.000 người, xấp xỉ 1/2 dân số của cả tỉnh Bắc Kạn (năm 2018) nhưng chỉ được giao khoảng 35 biên chế, bao gồm cả cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dẫn đến quá tải trong mọi công việc.

Ở góc độ khác cần phải thấy việc tinh giản biên chế, bộ máy là xu thế chung và rất cần thiết, tuy nhiên nên cắt giảm mạnh biên chế ở những ngành, lĩnh vực, vị trí trung gian, ít tiếp xúc với công dân hoặc công việc ít quan trọng, cấp thiết, theo kiểu "có thì tốt, nhưng không có cũng chẳng sao". Đồng thời, tăng cường, điều chuyển công chức cho các vị trí, công việc thường xuyên tiếp xúc, trực tiếp giải quyết công việc hàng ngày, cần kíp cho công dân, tổ chức. Điều này sẽ không làm tăng biên chế nhưng công việc sẽ được san sẻ, giảm tải nhiều cho các vị trí, lĩnh vực đang chịu nhiều áp lực về khối lượng công việc như tư pháp - hộ tịch, đất đai - xây dựng...

Song song với các giải pháp trên, cần đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới, cho công chức, viên chức trong thực thi công vụ để giảm tải khâu trung gian hoặc không thật sự cần thiết. Đơn cử, trong lĩnh vực tư pháp - hộ tịch nên giao cho cán bộ tư pháp - hộ tịch trực tiếp thực hiện chứng thực hay trực tiếp đăng ký hộ tịch mà không cần phải trình chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã ký giấy tờ chứng thực, hộ tịch. Bởi vì, gần như 100% vụ việc khi cán bộ tư pháp - hộ tịch tham mưu, đề xuất đều được cấp trên ký duyệt, ngoài ra khi trực tiếp tác nghiệp buộc họ sẽ thận trọng, chặt chẽ hơn vì gắn với trách nhiệm được giao.

Vĩnh Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/khong-cao-bang-bien-che-i293331/