Khống chế tỉ lệ thôi học ở trường đại học: Còn nhiều ý kiến trái chiều

Nhiều ý kiến cho rằng cần có khảo sát, phân tích thêm về con số 10%-15% tỷ lệ sinh viên thôi học trong Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn CSGDĐH.

Tại tiêu chí 5.2, tiêu chuẩn 5 của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định: "Tỷ lệ thôi học, được xác định bằng tỷ lệ người học chưa tốt nghiệp mà không tiếp tục theo học hằng năm, không cao hơn 10% và riêng đối với người học năm đầu không cao hơn 15%".

Không ít người băn khoăn và lo ngại việc quy định cứng như vậy sẽ làm nảy sinh tình trạng cố tình làm “dối” của các trường đại học. Vì để đạt chuẩn mà tìm cách giữ những sinh viên không đủ điều kiện tiếp tục theo học tại trường. Như vậy, kết quả đạt chuẩn cũng chỉ là hình thức, mục tiêu cuối cùng là chất lượng thực sự có thể chỉ là đối phó.

Quy định tỷ lệ sinh viên thôi học cần thiết hay không?

 Nhiều ý kiến băn khoăn về quy định tỷ lệ không quá 10% sinh viên thôi học hàng năm tại Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Ảnh minh họa: Minh Chi

Nhiều ý kiến băn khoăn về quy định tỷ lệ không quá 10% sinh viên thôi học hàng năm tại Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Ảnh minh họa: Minh Chi

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trưởng phòng Đào tạo một trường đại học ở phía Nam nhận định, sẽ có nhiều trường đại học gặp khó với quy định tỷ lệ thôi học hàng năm không quá 10%, nhất là các trường thuộc top dưới (bao gồm cả trường công lập và trường tư thục).

"Với khối các trường sư phạm, tỉ lệ thôi học thường sẽ ít hơn vì đầu vào khối sư phạm ngày càng cao, chất lượng sinh viên theo đó cũng được nâng cao hơn, do đó sẽ hạn chế khả năng sinh viên vì lí do không đáp ứng được yêu cầu chương trình đào tạo mà nghỉ học. Bên cạnh đó, sinh viên sư phạm cũng được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP trong suốt quá trình học nên tỷ lệ thôi học so với các khối ngành khác là rất ít.

Trong khi đó, nhiều khối ngành đặc thù như kỹ thuật, công nghệ,... yêu cầu chương trình đào tạo cao, không ít sinh viên vì năng lực khó đáp ứng nên đã nghỉ học. Chưa kể nhiều em đăng ký đậu vào trường nhưng lại không có ý định theo học, hoặc có định hướng khác,... Có nhiều lý do mà các trường không kiểm soát được", vị Trưởng phòng Đào tạo phân tích.

Trước thực tế như vậy, vị này cho rằng quy định tỷ lệ thôi học có thể dẫn tới tình trạng các trường sẽ tìm cách "lách luật". Chẳng hạn như trường cố tình tuyển vượt chỉ tiêu để "khấu trừ hao số sinh viên nghỉ học trong quá trình theo học".

"Vì vậy, cần có khảo sát, đánh giá và phân tích kỹ càng hơn về tỷ lệ sinh viên thôi học phù hợp trong tương quan giữa các trường với nhau", vị Trưởng phòng Đào tạo đề xuất.

Cũng băn khoăn về tỷ lệ 10%, Tiến sĩ Phan Phiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa đặt câu hỏi: "Căn cứ nào để đưa ra con số sinh viên thôi học hàng năm không quá 10%? Tỷ lệ bao nhiêu là phù hợp, hiện tại chưa có phân tích nào về con số này. Theo tôi để xác định thế nào là phù hợp, chúng ta cần có khảo sát, phân tích tình hình thực tế?".

Theo thầy Phiến, hiện nay, Trường Đại học Khánh Hòa không gặp vướng mắc với quy định tỷ lệ sinh viên thôi học được quy định tại Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Song vị lãnh đạo cho rằng việc quy định tỷ lệ sinh viên thôi học đối với đào tạo bậc đại học là không cần thiết.

"Giáo dục đại học đào tạo theo hình chóp, không thể lấy chỉ tiêu vào bao nhiêu ra bấy nhiêu được. Hình chóp trên to hay nhỏ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như đặc điểm ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, môi trường,...

Điều quan trọng hơn cần quan tâm trong đào tạo đại học là làm sao để sinh viên ra đáp ứng được yêu cầu chuẩn đầu ra do nhà trường xây dựng, đáp ứng khung trình độ quốc gia Việt Nam", Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa nêu ý kiến.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai lại cho rằng, tỷ lệ thôi học không quá 10% là con số hợp lý.

 Tiến sĩ Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai. Ảnh: Doãn Nhàn

Tiến sĩ Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai. Ảnh: Doãn Nhàn

Thầy Đức chia sẻ, lý do sinh viên thôi học đến từ cả 2 phía nhà trường và sinh viên. Đối với người học, có bạn khi vào trường lại thấy không phù hợp nên không muốn theo học tiếp, hoặc có nguyện vọng đổi ngành, đổi trường, hay có định hướng mới khác.

Mặc khác, về phía nhà trường có thể chưa mang lại giá trị gia tăng như người học kỳ vọng. Trong đó, thầy Đức nhấn mạnh đến trách nhiệm từ phía nhà trường khi có sinh viên đến học, phải luôn tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ người học trong suốt quá trình.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang cũng cho rằng quy định tỉ lệ sinh viên thôi học là điều kiện cần để nâng cao chất lượng đào tạo.

“Tỷ lệ sinh viên thôi học cũng là một yếu tố quan trọng trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục. Tỷ lệ thôi học được đưa vào chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cách giúp các trường nâng cao hơn hiệu quả quản trị, điều hành, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo”, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh nêu ý kiến.

 Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang. Ảnh:website nhà trường

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang. Ảnh:website nhà trường

Trường đại học dùng nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ sinh viên bỏ học từ năm nhất

Theo thầy Khanh, ngoài lý do kết quả học tập không đáp ứng, sinh viên thôi học còn có nhiều nguyên nhân khác.

Kết quả phân tích, rà soát từ thực tế tại Trường Đại học Kiên Giang cho thấy, sinh viên năm nhất có xu hướng đổi ngành, hoặc đổi trường, hay rẽ hướng tham gia luôn vào thị trường lao động, đặc biệt nhiều em chọn đi xuất khẩu lao động.

Sinh viên vì hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục theo học cũng có, tuy nhiên số lượng này tại trường không nhiều (năm học 2023-2024 có 15 em).

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang bày tỏ, nhà trường đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên. Một chương trình ý nghĩa đang được Trường Đại học Kiên Giang duy trì tổ chức là chương trình “Suất ăn yêu thương”.

Theo đó, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại Trường Đại học Kiên Giang được hỗ trợ một suất cơm trưa mỗi ngày tại căn tin trường với giá 30.000 đồng/suất; trong đó, sinh viên trả 10.000 đồng/suất, trường hỗ trợ 20.000 đồng/suất.

Kinh phí thực hiện chương trình do các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân tài trợ. Được biết, chương trình khởi động từ tháng 10/2023, đến nay số tiền vận động từ các mạnh thường quân đã lên đến 400 triệu đồng.

 Trường Đại học Kiên Giang xây dựng chương trình “Suất ăn yêu thương” với mỗi suất ăn giá 10.000 đồng để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh:website nhà trường

Trường Đại học Kiên Giang xây dựng chương trình “Suất ăn yêu thương” với mỗi suất ăn giá 10.000 đồng để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh:website nhà trường

Chương trình nhằm hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại trường, góp phần xây dựng môi trường học tập hạnh phúc. Thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhà trường đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện và tiếp thêm động lực để các em học tập, lập thân, lập nghiệp.

“Ngoài ra, nhà trường cũng xây dựng quỹ khuyến học cho phép sinh viên mượn tiền từ quỹ để đóng học phí. Sinh viên cam kết sau khi tốt nghiệp, có việc làm ổn định sẽ trả lại học phí cho nhà trường. Điều này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về tài chính có thể tiếp tục theo đuổi việc học”, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh chia sẻ.

Năm học 2023-2024, tỷ lệ sinh viên thôi học tại Trường Đại học Kiên Giang chiếm khoảng 5,5%. Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh cho hay, nhà trường đang tiến hành rà soát, phân tích số liệu sinh viên thôi học theo từng ngành để có đánh giá chi tiết hơn, từ đó có kế hoạch hỗ trợ hiệu quả cho sinh viên.

Còn tại Trường Đại học Đồng Nai, Hiệu trưởng Lê Anh Đức cho hay, tỷ lệ sinh viên thôi học hiện của nhà trường hiện cũng khá cao, tuy nhiên vẫn ở mức dưới 10%. Những năm gần đây, nhà trường đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cùng đồng hành, hỗ trợ sinh viên.

Hiện nay, sinh viên được đánh giá công khai qua 3 đầu điểm: điểm chuyên cần, điểm thành phần và điểm thi kết thúc học phần. Sinh viên bị cảnh báo quá 2 lần sẽ buộc phải thôi học. Trong quá trình đó, cố vấn học tập và giảng viên phải luôn theo sát sinh viên và có những hỗ trợ, tư vấn kịp thời.

Trong khi đó, giảng viên cũng được đánh giá thông qua 3 nội dung: sinh viên hài lòng, sinh viên phải tham dự lớp học đầy đủ và kết quả thi hết học phần phải đạt.

Việc đánh giá đồng thời cả sinh viên và giảng viên thông qua các yếu tố trên giúp việc học tập và giảng dạy đạt hiệu quả tốt hơn, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của các cá nhân.

 Thạc sĩ, Luật sư Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh:website nhà trường

Thạc sĩ, Luật sư Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh:website nhà trường

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định nhận định, việc quy định giới hạn tỷ lệ sinh viên thôi học trong nhà trường giúp các đơn vị nâng cao hơn trách nhiệm trong đào tạo, là yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng dạy và học.

“Trường nào có nhiều sinh viên nghỉ học, nhà trường cũng cần phải xem lại chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, các chương trình hỗ trợ sinh viên,... đã phù hợp hay chưa để kịp thời điều chỉnh”, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung chia sẻ quan điểm.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho hay, những năm gần đây, nhà trường thường lồng ghép một số môn nhập môn ngành vào chương trình học của sinh viên ngay từ năm nhất. Đồng thời điều chỉnh thời gian học các môn đại cương sao cho phù hợp nhằm giúp sinh viên có quá trình thích nghi, tránh cảm giác “ngợp” khi mới bước quá trình học ở bậc đại học. Việc tiếp xúc sớm với một số môn chuyên ngành từ sớm cũng tạo hứng thú cho sinh viên, giúp các bạn xác định được từ sớm các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng đối với nghề nghiệp đã lựa chọn.

“Ngoài ra, nhà trường cũng xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và các bạn sinh viên có thành tích học tập tốt nhằm tạo động lực, khuyến khích sinh viên luôn nỗ lực cố gắng trong học tập. Trường Đại học Gia Định cũng kết nối nhiều doanh nghiệp để hỗ trợ việc làm cho sinh viên, giúp các bạn sớm có môi trường thực tập, hành nghề, từ đó có thêm kinh nghiệm cũng như môi trường để rèn luyện nâng cao chuyên môn”, lãnh đạo Trường Đại học Gia Định chia sẻ thêm.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khong-che-ti-le-thoi-hoc-o-truong-dai-hoc-con-nhieu-y-kien-trai-chieu-post245070.gd