55 năm tuổi trẻ TPHCM thực hiện Di chúc Bác Hồ
Đội ngũ cán bộ Đoàn, phụ trách Đội, đội ngũ giáo viên, giảng viên cần tự học, tự làm theo tấm gương, phong cách Hồ Chí Minh; cụ thể hóa các nội dung học tập, làm theo để việc này trở thành hơi thở cuộc sống.
Ngày 17/9, Trường Đoàn Lý Tự Trọng tổ chức Tọa đàm khoa học “55 năm tuổi trẻ TPHCM thực hiện Di chúc Bác Hồ”. Hoạt động là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, các thế hệ cán bộ Đoàn – Hội – Đội, đoàn viên, thanh niên nghiên cứu, trao đổi những vấn đề lý luận, thực tiễn về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nêu cao phẩm chất yêu nước, nhân ái
Trao đổi tại tọa đàm, anh Lê Phúc Nguyên - Phó Bí thư Quận Đoàn 4 cho biết, Ban Thường vụ Quận Đoàn đã xác định việc giáo dục đạo đức lối sống cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm. Hằng năm, Quận Đoàn phối hợp Ban Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM tổ chức các chương trình, các buổi tọa đàm, các hoạt động cho các bạn đoàn viên thanh niên tham quan và học tập, trải nghiệm tại bảo tàng.
Để khơi gợi lòng yêu nước đối với các bạn đoàn viên thanh niên, các câu lạc bộ, hội nhóm trên địa bàn quận như Chi hội Thầy thuốc trẻ quận đã chủ động hằng quý, hằng tháng đến thăm, khám trực tiếp cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các trường hợp chính sách trên địa bàn. Anh Nguyên cho rằng việc làm này thể hiện sự tri ân đối với những người có công và cũng là thực hiện Di chúc của Bác.
ThS.Đặng Văn Khoa - Phụ trách bộ môn Chính trị, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, chương trình phổ thông năm 2018 đã đề cập tới những phẩm chất, năng lực mà học sinh sinh viên, thanh niên cần hướng đến. Trong đó, phẩm chất hàng đầu là yêu nước, kế tiếp là phẩm chất nhân ái, yêu thương mọi người.
Nhằm góp phần khắc phục hậu quả bão số 3 ở các tỉnh phía Bắc, nhiều em học sinh, sinh viên mặc dù điều kiện vật chất, tài chính không khá giả nhưng cũng tích cực gửi đến tài khoản của Ban Cứu trợ Trung ương – MTTQ Việt Nam kèm lời xin lỗi “con chỉ có bấy nhiêu thôi”. "Đây là tinh thần nhân ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc, đã được thể hiện qua các bạn trẻ ở lứa tuổi học sinh sinh viên", ThS.Khoa đánh giá.
Học Bác cần trở thành hơi thở cuộc sống
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng cho rằng, những lời dạy, câu chuyện của Bác cũng chính là những bài học, những điều nhắn gửi của Bác đối với các bạn cán bộ Đoàn – Hội – Đội, đối với người dân nói chung chứ không chỉ dừng lại ở góc độ một tác phẩm.
Anh Nghĩa cho rằng, việc bồi dưỡng cho thế hệ trẻ là điều rất cần thiết mà các trường đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, việc này cũng cần được đồng bộ, lồng ghép với các bộ môn, lĩnh vực khác, các bài học khác nhau chứ không nhất thiết chỉ trong khuôn khổ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng… nhằm đưa việc làm này trở thành diện rộng, đưa những bài học gắn kết hơn với các bạn. Từ đó, người trẻ mới có niềm tin để thực hiện tốt việc tự học tập và rèn luyện bản thân.
“Đặc biệt, đội ngũ cán bộ Đoàn, phụ trách Đội, đội ngũ giáo viên, giảng viên cũng tự học, tự làm theo tấm gương, phong cách Hồ Chí Minh; cần cụ thể hóa các nội dung học tập, làm theo… để việc này trở thành hơi thở cuộc sống”, anh Nghĩa đặt vấn đề.
Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TPHCM Trịnh Thị Hiền Trân cho biết, tuổi trẻ thành phố luôn nỗ lực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những lời căn dặn và theo Di chúc của Người. Mặt khác, tổ chức Đoàn luôn nhắc nhớ những giá trị trong bản Di chúc của Bác Hồ để đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội – Đội, đoàn viên, thanh thiếu nhi phát huy và nỗ lực học tập, làm theo.
Chị Hiền Trân cũng cho biết, việc xác định xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo nghị quyết, đề án của Thành ủy TPHCM đã được kiên trì thực hiện trong suốt thời gian qua càng làm rõ thêm việc này.
"Thời gian tới, các cơ sở Đoàn tiếp tục nghiên cứu nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội – Đội, nâng cao nhận thức của các bạn đoàn viên thanh niên để góp phần xây dựng thế hệ trẻ vừa “hồng”, vừa “chuyên” như lời dạy của Bác”, chị Trân khẳng định và nhấn mạnh, với phong trào Đoàn của TPHCM, các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức không bao giờ tách rời các hoạt động phong trào nhằm tạo môi trường, điều kiện cho các bạn đoàn viên, thanh thiếu niên thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể.