Không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc xây dựng thương hiệu nông sản không chỉ là yếu tố cạnh tranh, mà còn là chìa khóa giúp nâng cao giá trị, đảm bảo thu nhập bền vững cho người nông dân. Tuy nhiên, hiện nay, có khoảng 80% nông sản Việt Nam xuất khẩu không có thương hiệu, khiến chuỗi giá trị gia tăng bị hạn chế.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam đạt mốc kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023. Dù vậy, phần lớn sản phẩm vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến sâu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Điển hình như ngành lúa gạo, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhưng lại chưa có một thương hiệu quốc gia nào thực sự tạo dấu ấn. Trong khi đó, gạo Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản chiếm lĩnh thị trường nhờ quy trình xây dựng thương hiệu bài bản.

Không riêng gạo, nhiều nông sản khác như cà phê, hạt điều, trái cây tươi cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một “cường quốc” cà phê xuất khẩu, nhưng chủ yếu ở dạng thô, không có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Ngược lại, các thương hiệu cà phê nước ngoài đã tận dụng nguồn nguyên liệu Việt, chế biến và bán ra thị trường với giá trị gấp nhiều lần so với sản phẩm gốc. Đó là chưa kể, nhiều nông sản Việt Nam hiện gặp rất nhiều khó khăn khi xâm nhập vào thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản do thiếu chứng nhận, quy trình chế biến và bao bì kém thu hút. Việc các doanh nghiệp nội địa chậm đầu tư vào thương hiệu khiến giá trị nông sản bị thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt, đặc biệt khi đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đang không ngừng cải thiện chất lượng và xây dựng thương hiệu bài bản.

Trước tình hình đó, cơ quan chức năng đang đề xuất xây dựng một Nghị định nhằm quy định các cơ chế, chính sách cụ thể giúp thúc đẩy xây dựng nhãn hiệu cho nông sản Việt. Đây là một bước đi quan trọng, song, nếu không có sự phối hợp từ doanh nghiệp và nông dân, việc xây dựng thương hiệu vẫn sẽ chỉ nằm trên giấy.

Tuy nhiên, không thể chỉ trông chờ vào chính sách Nhà nước. Bản thân các doanh nghiệp cần tăng đầu tư chế biến sâu, định danh sản phẩm gắn với địa danh như thanh long Bình Thuận, dừa Bến Tre, cà phê Ban Mê Thuột, hạt điều Bình Phước... Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân cần liên kết chặt chẽ, đầu tư vào bao bì, chất lượng, quy trình chế biến hiện đại. Thương hiệu không chỉ là nhãn mác, mà còn là cam kết về chất lượng và sự ổn định của sản phẩm. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng câu chuyện thương hiệu và tận dụng nền tảng thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Việc quảng bá sản phẩm trên các kênh bán lẻ toàn cầu sẽ giúp nâng cao giá trị và khẳng định vị thế nông sản Việt Nam. Các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản đã rất thành công trong việc tạo ra những thương hiệu nông sản quốc gia mạnh mẽ, giúp sản phẩm của họ luôn được đánh giá cao về chất lượng và giá trị gia tăng.

Cuối cùng, người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là yếu tố then chốt để nâng cao uy tín và giá trị của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Xây dựng thương hiệu nông sản không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm chung của doanh nghiệp và người nông dân. Nếu tất cả cùng chung tay, nông sản Việt Nam mới có thể vươn tầm quốc tế, khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.

Thái Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khong-chi-la-nhiem-vu-cua-nha-nuoc-post486521.html