Không chỉ là những con số

Thực tế, thời gian qua, cải cách hành chính đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Theo báo cáo tại Phiên họp thứ 8, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh tại 16 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.943.

Nhiều chỉ số được thăng hạng, trong đó xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh doanh thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đến 30/6, tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng Dịch vụ công trực tuyến đạt 81%; toàn quốc có 63/63 địa phương ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thực tế, thời gian qua, cải cách hành chính đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư và thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ ra rằng việc này còn gặp nhiều rào cản, bất cập cần kịp thời khắc phục để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, mong đợi của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Cụ thể là thủ tục hành chính còn rườm rà, có nơi thực hiện chưa nghiêm, gây phiền hà, bức xúc. Bộ máy tổ chức còn nhiều tầng nấc, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn diễn ra.

Những nhận định này là hoàn toàn xác đáng bởi trong báo cáo của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính tại Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công liên thông diễn ra hồi tháng 4 vừa qua đã chỉ rõ rằng, vẫn còn tới 9 bộ, ngành chưa hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trong khi yêu cầu của Thủ tướng phải hoàn thành trước ngày 15/12/2023.

Có 11/20 bộ, cơ quan và 6/63 địa phương chưa hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

12/28 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 422/QĐ-TTg chưa được các bộ, cơ quan hoàn thành tái cấu trúc quy trình, cung cấp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Một số bộ, cơ quan, địa phương nhận diện chưa đúng, công bố chưa đầy đủ thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý và thẩm quyền giải quyết theo yêu cầu của Thủ tướng. 3 bộ chưa trình phương án đơn giản hóa các nhóm thủ tục hành chính nội bộ trọng tâm ưu tiên và chỉ có 7/22 bộ, cơ quan đã cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ nhưng số lượng cắt giảm còn rất khiêm tốn so với mục tiêu và yêu cầu đề ra...

Cải cách hành chính được xác định là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, với định hướng chính là xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải có quá trình thực hiện liên tục và phải dựa trên quan điểm luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm. Đặc biệt, như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính là phải được triển khai đồng bộ với cải cách lập pháp, tư pháp và đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Và điều quan trọng nữa đó là việc cắt giảm thủ tục hành chính không phải chỉ đơn thuần là những con số thống kê, mà cái chính là người dân, doanh nghiệp phải “cảm nhận” được, phải được thụ hưởng những kết quả đó. Nếu không, cải cách sẽ không thành công.

Yên Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-chi-la-nhung-con-so-post691785.html