Không chỉ riêng kinh tế, đây cũng là ngành học được các thí sinh nộp hồ sơ 'rầm rộ'
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, ngành Luật thương mại quốc tế giống như một kim chỉ nam không thể thiếu cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.
Luật thương mại quốc tế là gì?
Luật thương mại quốc tế là ngành học đào tạo về quy tắc điều phối hoạt động thương mại giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ với nhau. Đặc biệt, trước tình hình hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, ngành học này đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Ngành luật thương mại quốc tế là một hệ thống điều chỉnh các đối tượng kinh tế, cụ thể như sau:
- Các mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia với nhau
- Các mối quan hệ thương mại được phát sinh giữa các chủ thể ở 2 quốc gia khác nhau
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, nhiều công ty, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia kí kết hợp đồng với nước ngoài, ngành Luật thương mại quốc tế lại càng trở nên "hot".
Có thể nói, ngành Luật thương mại quốc tế giống như một kim chỉ nam quan trọng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mà không bị cản trở bởi các rào cản pháp lý hay luật định giữa các quốc gia.
Học Luật thương mại quốc tế ra làm gì?
Đối với nền kinh tế quốc tế, các yếu tố xuất nhập khẩu đều được mọi quốc gia đẩy mạnh nhằm mục tiêu phát triển đất nước. Chính vì vậy không thể phủ nhận vai trò của pháp luật thương mại quốc tế cũng phát triển song hành. Điều này đem đến rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên sau khi ra trường.
Một số công việc tiêu biểu mà sinh viên chuyên ngành Luật thương mại quốc tế có thể làm như:
- Chuyên viên thực hiện các dịch vụ pháp lý làm việc tại các phòng luật, công ty luật tư nhân hoặc làm việc cho các cơ quan nhà nước, chuyên giải quyết những vấn đề tranh chấp phát sinh trong hợp đồng thương mại…
- Chuyên viên tư vấn pháp luật làm việc ở các công ty luật, văn phòng luật sư chuyên thực hiện công việc tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp trong việc tham gia ký kết các hợp đồng thương mại với quốc tế…
- Biên tập viên cho các vấn đề liên quan pháp luật, chuyên gia nghiên cứu về luật thương mại quốc tế…
- Làm công tác nghiên cứu trong các Viện Nghiên cứu về Nhà nước và Pháp luật, Viện Kinh tế;
- Giảng viên giảng dạy luật thương mại tại các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục…
Các trường đại học đào tạo ngành Luật thương mại quốc tế
Nếu muốn theo học ngành Luật thương mại quốc tế, các thí sinh có thể tham khảo một số trường đại học trọng điểm dưới đây.
Trường Đại học Luật Hà Nội
Năm 2023, Trường Đại học Luật Hà Nội tuyển sinh theo 4 phương thức:
- Xét tuyển thẳng
- Xét tuyển thi sinh tham dự Vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia
- Xét tuyển dựa trên kết quả học tập của bậc THPT
- Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Luật thương mại quốc tế lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 24,8 điểm (A01) và 25,75 điểm (D01). Trong khi đó, phương thức xét học bạ lấy 29,44 điểm (A01) và 29 điểm (D01).
Đối với khóa tuyển sinh năm học 2023 - 2024, mức thu học phí hệ đào tạo đại học chính quy là 685 nghìn đồng/tín chỉ, tương đương 11,735 triệu đồng/kỳ học.
Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh 100 chỉ tiêu đối với ngành Luật thương mại quốc tế trong năm học vừa qua, với mức điểm chuẩn trúng tuyển là 25,7 điểm (A00; A01; D01; D78; D82).
Ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành này còn xét tuyển theo 4 phương thức khác:
- Xét tuyển thẳng và ưu tiên
- Xét kết quả kì thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức
- Xét chứng chỉ quốc tế
- Xét thí sinh dự bị đại học.
Mức học phí của khóa tuyển sinh năm 2023, dao động từ 23 - 28 triệu đồng/năm học, với tổng học phí toàn khóa dao động từ 114 - 135 triệu đồng.
Học viện Ngoại giao
Năm 2023, Học viện Ngoại giao tuyển sinh 135 chỉ tiêu cho ngành Luật thương mại quốc tế theo 4 phương thức:
- Xét tuyển thẳng và ưu tiên
- Xét kết quả học tập bậc THPT
- Xét kết quả phỏng vấn
- Xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Luật thương mại quốc tế lấy ngưỡng điểm trúng tuyển 26,7 điểm (A01; D01; D07), 25,7 điểm (D03; D04; D06) và 28,2 điểm (C00).
Năm học 2023 - 2024, nhà trường quy định mức học phí sinh viên phải đóng là 2,1 triệu đồng/tháng.
Trường Đại học Luật TP.HCM
Năm 2023, trường Đại học Luật TP.HCM tuyển sinh theo 3 phương thức:
- Xét điểm thi tốt nghiệp THPT
- Xét tuyển thẳng
- Xét tuyển sớm
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Luật thương mại quốc tế lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 26,86 điểm (A01; D01; D66; D84). Trong khi đó, năm 2022 ngành học này xét tuyển nhiều tổ hợp môn hơn, mức điểm chuẩn là 26,5 điểm (A01), 26 điểm (D01; D03; D06; D66; D69; D70; D84; D87) và 25,75 điểm (D88).
Theo đề án tuyển sinh của trường, học phí năm học 2023 - 2024 dao động từ 31.250.000 - 165.000.000 đồng/sinh viên/năm học.
Ngoài ra, theo lộ trình, đến năm học 2026 - 2027, mức học phí này dao động từ 44.750.000 - 219.700.000 đồng/sinh viên/năm học.
Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM)
Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) đang đào tạo ngành Luật thương mại quốc tế theo 2 chương trình học: chương trình tiếng Việt và chương trình tiếng Anh.
Năm 2023, nhà trường tuyển sinh ngành học này theo 5 phương thức:
- Xét tuyển thẳng và ưu tiên
- Ưu tiên xét tuyển
- Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT
- Xét kết quả kì thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức
- Xét chứng chỉ quốc tế kết hợp học bạ.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Luật thương mại quốc tế chương trình tiếng Việt lấy mức điểm chuẩn trúng tuyển là 26,2 điểm (A00; A01; D01; D07) và chương trình tiếng Anh lấy 25,02 điểm (A00; A01; D01; D07).
Mức học phí năm học 2023 - 2024 của trường dự kiến là 25,9 triệu/năm đối với chương trình đào tạo tiếng Việt và 50,9 triệu/năm đối với chương trình đào tạo tiếng Anh. Học phí các năm sau mỗi năm tăng 10 - 12,8%.
Trên đây là 5 trường Đại học đào tạo ngành Luật thương mại quốc tế có chất lượng đào tạo hàng đầu tại nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, ngoài ngành Luật thương mại quốc tế, thí sinh có thể tham khảo thêm một số chuyên ngành khác thuộc ngành luật để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành mà mình yêu thích./.