Không chỉ Scarlett Johansson bị OpenAI đánh cắp giọng nói

Ngoài minh tinh 'Black Widow', một số diễn viên lồng tiếng đang đệ đơn kiện công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo khác vì đã đánh cắp giọng nói của họ.

 Scarlett Johansson nằm trong số những người bị công ty AI đánh cắp giọng nói. Ảnh: Jordan Strauss/Invision/AP.

Scarlett Johansson nằm trong số những người bị công ty AI đánh cắp giọng nói. Ảnh: Jordan Strauss/Invision/AP.

Diễn viên nổi tiếng Scarlett Johansson đã ủy quyền cho luật sư làm việc với OpenAI sau khi phát hiện Sky, trợ lý giọng nói của GPT-4o, có giọng nói giống với giọng của cô trong bộ phim Her (2013), CNN đưa tin.

Tho chia sẻ của ngôi sao Hollywood, tháng 9/2023, OpenAI đã cố gắng thuê cô để lồng tiếng cho trợ lý AI của ChatGPT, song Johansson từ chối. Nhưng có vẻ công ty vẫn cố thực hiện tham vọng đó. CNN nhận định rằng Sam Altman, đồng sáng lập kiêm CEO của OpenAI, có thể trực tiếp gặp rắc rối pháp lý từ vụ kiện này.

Khoảng 1 tuần trước đó, một vụ lùm xùm tương tự đã xảy ra. Các diễn viên lồng tiếng Paul Skye Lehrman và Linnea Sage đệ đơn kiện công ty AI Lovo (Mỹ), chuyên cung cấp giọng nói AI để sử dụng trong tiếp thị, giáo dục và giới thiệu sản phẩm, với lý do đánh cắp giọng nói của họ.

Những vụ kiện liên tiếp

Các chuyên gia pháp lý cho rằng vụ kiện của diễn viên Johansson hoàn toàn khả thi. Họ nhấn mạnh rằng có một loạt các vụ kiện trong quá khứ có thể làm OpenAI phải chịu thiệt hại đáng kể.

Điều này cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về khả năng sẵn sàng của ngành công nghiệp AI trong việc xử lý các vấn đề phức tạp liên quan đến quyền lợi pháp lý và quyền riêng tư.

 Scarlett Johansson đệ đơn kiện OpenAI đánh cắp giọng nói của cô. Ảnh: Sipa US/Alamy Stock Photo.

Scarlett Johansson đệ đơn kiện OpenAI đánh cắp giọng nói của cô. Ảnh: Sipa US/Alamy Stock Photo.

Về phần mình, không chỉ khởi kiện Lovo, các diễn viên lồng tiếng Lehrman và Sage đang tìm kiếm những nạn nhân tương tự, những người “có giọng nói và/hoặc danh tính đã bị đánh cắp và sử dụng” để thực hiện vụ kiện tập thể, New York Times đưa tin.

"Ngụ ý trong các dịch vụ của LOVO dành cho khách hàng là mỗi diễn viên lồng tiếng đã đồng ý với các điều khoản và điều kiện của LOVO để khách hàng có thể truy cập vào giọng nói của diễn viên đó”, trích đơn khiếu nại.

Nhưng đối với Lehrman và Sage, việc công ty tiếp tục sử dụng trái phép giọng nói của họ cho các sản phẩm khác ngoài hợp đồng là hành vi trộm cắp dịch vụ và chiếm đoạt tài sản.

Lovo chưa lên tiếng về cáo buộc trên.

Các vụ kiện liên quan đến AI thời gian gần đây nằm trong chuỗi các hành động pháp lý do các nhà sáng tạo, nhà văn và nghệ sĩ đưa ra, nhằm chống lại các công ty công nghệ khác nhau.

Họ cho rằng các tác phẩm của mình đã được sử dụng mà không có sự cho phép để đào tạo các hệ thống AI, công nghệ đang cạnh tranh gay gắt từng ngày với họ.

Những vụ kiện như vậy đã làm tăng thêm làn sóng lo ngại về việc đào tạo các mô hình AI, vốn đòi hỏi lượng dữ liệu khổng lồ, có thể vi phạm luật bản quyền và sở hữu trí tuệ.

Bản hợp đồng mập mờ

Tháng 5/2020, Lehrman nhận được yêu cầu thực hiện thuyết minh lồng tiếng trên trang web Fiverr từ một tài khoản có tên “User25199087”.

Khi diễn viên hỏi mẫu giọng sẽ được dùng để làm gì, đối phương trả lời rằng giọng của Lehrman nhằm phục vụ “mục đích nghiên cứu học thuật” và “các kịch bản sẽ không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác”. Lehrman được trả 1.200 USD cho công việc này.

 Lehrman và Sage cũng đang tìm kiếm những nạn nhân tương tự để thực hiện vụ kiện tập thể nhắm đến AI Lovo. Ảnh: New York Times.

Lehrman và Sage cũng đang tìm kiếm những nạn nhân tương tự để thực hiện vụ kiện tập thể nhắm đến AI Lovo. Ảnh: New York Times.

Hai năm sau, Lehrman tình cờ xem được một video trên YouTube có âm thanh giống giọng mình, dù anh chưa từng tham gia vào việc tạo ra sản phẩm đó. Sau đó, vào tháng 6/2023, Lehrman tuyên bố anh nghe được giọng nói của mình trên một podcast chia sẻ về sự nguy hiểm của công nghệ AI.

Tương tự, diễn viên lồng tiếng Sage đã được mời làm việc trên Fiverr vào năm 2019, sản xuất “các kịch bản thử nghiệm cho quảng cáo trên radio”. Cô được trả 400 USD cho công việc trên.

Sau đó, Sage cũng phát hiện ra giọng nói của mình trong một video trên YouTube. Đó là đoạn ghi âm bài thuyết trình của nhà đầu tư Lovo để quảng cáo công nghệ giọng nói AI của họ.

Lehrman và Sage cáo buộc rằng những người đã liên hệ với họ trên Fiverr là nhân viên của Lovo. Họ đã trình bày sai mục đích sử dụng mẫu giọng nói, sau đó bán hoặc gây quỹ nhờ phiên bản AI của giọng nói đó.

“Sản phẩm khách hàng mua từ Lovo là sản phẩm ăn cắp. Chúng được tạo ra từ giọng nói mà Lovo cướp từ chúng tôi, và tiếp tục được công ty quảng bá sai trái", đơn kiện nêu rõ.

Các diễn viên đang đòi bồi thường thiệt hại hơn 5 triệu USD, cũng như yêu cầu tòa án ra lệnh cấm Lovo tiếp tục sử dụng giọng nói của họ.

Thiên An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khong-chi-scarlett-johansson-bi-openai-danh-cap-giong-noi-post1476690.html