Không chủ quan khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản

Mùa hè, ngoài sự lây lan của các dịch bệnh nguy hiểm như tay chân miệng, sốt xuất huyết…, thì viêm não, viêm màng não cũng là căn bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh.

Biến chứng nguy hiểm

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, số bệnh nhi nhập viện vì viêm não tăng lên.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ghi nhận tại Khoa Nhi của Bệnh viện cho thấy, có nhiều trẻ bị viêm màng não, viêm não, trong đó có 2 trẻ từ Yên Bái chuyển xuống trong tình trạng nguy kịch. Còn lại, các trẻ khác đều vào viện với triệu chứng sốt cao, đau đầu.

Bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trường hợp trẻ 9 tuổi sau khi xử lý bằng thuốc chống phù nề đã bỏ được thở ô xy.

Còn trường hợp trẻ 4 tuổi tình trạng viêm não trầm trọng hơn, khi vào viện có tình trạng ngừng thở nên bác sĩ phải đặt máy thở.

Sau 3 ngày cấp cứu, trẻ vẫn phải thở máy để bảo vệ đường thở và các bác sĩ tiếp tục theo dõi sát sao. Khi bị viêm não, trẻ có thể biểu hiện di chứng lâu dài. Các bác sĩ vẫn điều trị và đánh giá di chứng.

Cũng về viêm não Nhật Bản, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng tiếp nhận nhiều trẻ em mắc viêm não, viêm màng não nhập viện điều trị, trong đó có một số trường hợp trẻ sốt cao trên 39 độ C, xuất hiện co giật toàn thân, co cứng chân tay, sùi bọt mép phải chuyển khoa Hồi sức tích cực điều trị lọc máu, thở máy.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cũng vừa cho hay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận trường hợp bệnh nhi thứ 2 mắc viêm não Nhật Bản tính từ đầu năm 2023 đến nay.

Chuyên gia y tế lý giải, viêm não là tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh - tâm thần khu trú hoặc lan tỏa.

Nguyên nhân thường gặp do virus như herpes, arbovirus lây truyền do muỗi hoặc các côn trùng khác; bệnh dại gây nên do vết cắn của một số động vật nhiễm bệnh như chó, mèo.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, viêm não thứ phát có thể xuất hiện sau khi trẻ mắc một số bệnh nhiễm trùng thường gặp như sởi, rubela, thủy đậu...

Đáng lo ngại hơn khi viêm não virus tiến triển từ giai đoạn khởi phát đến toàn phát. Tuy nhiên, các dấu hiệu ở giai đoạn khởi phát lại rất mơ hồ nên người bệnh thường dễ bỏ qua, còn đến giai đoạn toàn phát với các triệu chứng rõ rệt thì bệnh đã ở mức độ nặng.

Di chứng của viêm não rất nặng nề với những tổn thương trầm trọng, ảnh hưởng đến tâm thần và vận động, để lại nhiều di chứng cho trẻ.

Do vậy, khi trẻ có các biểu hiện như sốt cao, buồn nôn, nôn, đau đầu... cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng hơn.

Chủ động tiêm vắc-xin

Viêm não Nhật Bản tuy nguy hiểm nhưng có thể chủ động phòng chống bằng vắc-xin. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, hiện nay, Việt Nam đang sử dụng nhiều loại vắc-xin viêm não Nhật Bản như vắc-xin viêm não Nhật Bản thế hệ mới do các quốc gia khác nhau sản xuất.

Nếu đang băn khoăn không biết nên tiêm loại vắc-xin viêm não Nhật Bản nào phù hợp thì hãy luôn nhớ rằng vắc-xin được tiêm sớm nhất là vắc-xin tốt nhất.

Những vắc-xin viêm não Nhật Bản đã được cấp phép sử dụng rộng rãi đều đã được trải qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm nghiêm ngặt.

Các loại vắc-xin viêm não Nhật Bản đều có tác dụng bảo vệ cơ thể trẻ em và người lớn khỏi virus JEV gây bệnh viêm não Nhật Bản hoặc ít nhất khi nhiễm virus, bệnh sẽ không tiến triển nặng hay để lại các biến chứng nghiêm trọng hơn.

Với câu hỏi độ tuổi nào nên tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản theo bác sĩ Hải, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus JEV đều có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản.

Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ, đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay.

Về độ tuổi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản sẽ phù thuộc vào loại vắc-xin người tiêm sử dụng. Trong đó, vắc-xin Imojev được chỉ định tiêm chủng cho trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn, còn vắc-xin Jevax được sử dụng tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn.

Cũng tương tự như các loại vắc-xin khác và bất cứ loại thuốc nào đều có khả năng gây ra tác dụng phụ. Sau khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản, người tiêm có thể gặp một số phản ứng sau tiêm thông thường, không nghiêm trọng, sẽ tự khỏi và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các phản ứng tại chỗ phổ biến như đỏ, ngứa, sưng, đau… Các phản ứng phụ toàn thân như mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, đau cơ,… ở trẻ em có thể sốt còn người lớn có thể phát ban.

Các phản ứng phụ vừa và nghiêm trọng sau tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản rất hiếm khi xảy ra, ước tính tỷ lệ chưa đến 1/1 triệu liều.

Bên cạnh đó, các triệu chứng được cảnh báo sốc phản vệ gồm: Khó thở, tức ngực, thở rít; nổi mề đay, phù mạch nhanh; đau bụng hoặc nôn; tụt huyết áp hoặc ngất; rối loạn ý thức…

Do vậy, theo dõi các phản ứng sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút là nguyên tắc cần phải tuân thủ sau tiêm tất cả vắc-xin, kể cả vắc-xin viêm não Nhật Bản, vì đây là khoảng thời gian có thể xuất hiện các tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản sớm, vừa và nặng.

Ngoài ra, sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần tự theo dõi trong 48h nhằm phát hiện các triệu chứng đầu tiên của phản ứng phản vệ để đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Cũng theo chuyên gia, tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh đơn giản, hữu hiệu và tiết kiệm nhất vì viêm não Nhật Bản chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu, việc điều trị rất khó khăn, tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao. Do vậy, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin, đặc biệt các mũi nhắc lại để được bảo vệ tốt nhất.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khong-chu-quan-khi-tre-mac-viem-nao-nhat-ban-d194911.html