Không chủ quan, lơ là với các dịch bệnh truyền nhiễm

Sáng 11-7, tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế dự và chỉ đạo hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại Trung tâm Y tế Châu Thành.

Phát biểu tại hội nghị, Bác sĩ Chuyên khoa 2 (BSCK 2) Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết; trong 6 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận 12 bệnh có ca mắc trên tổng số 44 bệnh truyền nhiễm. Về bệnh lưu hành, trong khi sốt xuất huyết giảm gần 60% thì tay chân miệng lại tăng trên 140% so với cùng kỳ.

Quang cảnh hội nghị.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ghi nhận 9 trường hợp mắc bệnh sởi và 1 trường hợp ho gà. Ngoài ra, vào đầu tháng 4-2024, tại địa bàn xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm trên người với chủng cúm A(H9N2), đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở nước ta.

"Mặc dù tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát tốt, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, nhưng chúng ta vẫn phải tăng cường đề cao cảnh giác bởi bệnh lưu hành, bệnh có vắc xin phòng ngừa, bệnh lây truyền từ động vật sang người hay các bệnh truyền nhiễm mới nổi… vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bất cứ lúc nào nếu như chúng ta không chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống để giảm thiểu nguy cơ", BSCK 2 Nguyễn Thanh Linh lưu ý.

Đặc biệt, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang, đến ngày 5-7, toàn tỉnh ghi nhận 9 trường hợp mắc bệnh sởi gồm người lớn và trẻ nhỏ. Thông qua đó, phân tích các trường hợp trẻ mắc bệnh sởi trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh, dự báo và giải pháp lây nhiễm sởi trong thời gian sắp tới. Hiện tại, các trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân mắc sởi không ghi nhận các bất thường về sức khỏe do đó nguy cơ có ca mắc sởi tại cộng đồng là rất thấp. Tuy nhiên, cần theo dõi các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng nơi ca bệnh sinh sống vì có khả năng ghi nhận thêm ca mắc mới.

BSCK 2 Nguyễn Thanh Linh phát biểu tại hội nghị.

Trước tình hình dịch bệnh trên, BSCK 2 Nguyễn Thanh Linh đề nghị các đơn vị tiếp tục chủ động tham mưu với sự hỗ trợ của chính quyền và các ban, ngành để triển khai có hiệu quả các biện pháp về công tác phòng, chống dịch bệnh như sau:

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Phối hợp chặt chẽ với CDC Tiền Giang và các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur, chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.

Các địa phương thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.

Đối với các cơ sở điều trị, phải đảm bảo tổ chức tốt thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các biện pháp phòng lây nhiễm cho bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân.

Đối với các trung tâm y tế, đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi; phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước…

Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị không được chủ quan, lơ là với các dịch bệnh truyền nhiễm như: Sởi, dại, bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết và tay chân miệng...

THANH HOÀNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202407/khong-chu-quan-lo-la-voi-cac-dich-benh-truyen-nhiem-1015410/