Không chủ quan với bệnh cúm mùa lạnh

PTĐT - Những ngày thời tiết chuyển lạnh, hanh khô như hiện nay khiến cơ thể con người dễ mắc bệnh, trong đó có cúm.  Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho.

Bác sĩ Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân mắc cúm A.

Bác sĩ Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân mắc cúm A.

PTĐT - Những ngày thời tiết chuyển lạnh, hanh khô như hiện nay khiến cơ thể con người dễ mắc bệnh, trong đó có cúm. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A, cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây truyền rất cao qua đường hô hấp bởi các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc của người bệnh và tiếp xúc bề mặt chứa vi rút.
Bệnh cúm thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Tháng 11 vừa qua, ông Vũ Hồng Sơn (81 tuổi) ở xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng được người nhà đưa xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh thăm khám vì đột quỵ. Trong thời gian điều trị ở Trung tâm đột quỵ, ông thấy đau nhức cơ, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, sốt kèm cảm giác ớn lạnh… Sau khi tiến hành xét nghiệm, ông Sơn được chẩn đoán mắc chủng vi rút cúm A. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển từ Trung tâm đột quỵ xuống điều trị cách ly lại Khoa bệnh nhiệt đới để phòng lây chéo cho các bệnh nhân khác. Nhờ được điều trị tích cực, sau 10 ngày ông Sơn đã được xuất viện.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thanh Lý - Phụ trách Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: “Bệnh nhân mắc cúm đến điều trị tại bệnh viện rải rác trong năm, thường tập trung chủ yếu cao điểm vào những tháng mùa đông, mùa xuân. Những ngày thời tiết chuyển lạnh như hiện nay, trong số hàng chục bệnh nhân điều trị tại khoa có cả người mắc cúm A. Thậm chí, có năm, chúng tôi phải điều trị cùng lúc cho hàng chục bệnh nhân mắc cúm”. Cúm có ba nhóm virus gây bệnh chính là A, B và C. Cúm A và cúm B gây ra dịch cúm hàng năm, trong đó cúm A thường diễn biến phức tạp, dẫn tới nhiều biến chứng ở trẻ nhỏ. Cúm C cũng dẫn tới bệnh cảm cúm, nhưng các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.
Nhiều người thường nhẫm lẫn giữa bệnh cảm cúm với cảm lạnh thông thường, song các triệu chứng của bệnh cúm thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi. Ở trẻ em hoặc người lớn tuổi, khoảng hai ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với vi rút cúm, các triệu chứng ban đầu có thể là sốt, cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực, chóng mặt, ăn không ngon, ho, đau họng. Một số người còn bị đau tai hay tiêu chảy. Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần. Các đối tượng nguy cơ dễ mắc cúm biến chứng bao gồm: Trẻ em dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải; người trên 65 tuổi; phụ nữ có thai; người lớn mắc các bệnh mãn tính như bệnh phổi mãn tính, tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường…; suy giảm miễn dịch gồm những người bệnh đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS.Để chủ động phòng chống bệnh cúm, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi đến nơi đông người và các địa điểm công cộng để phòng nhiễm bệnh. Trong khi một số bệnh truyền nhiễm hiện nay chưa có vắc xin dự phòng thì cúm đã có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy tiêm vắc xin phòng cúm được xem là một trong những biện pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe trước những tác động bất lợi của thời tiết và môi trường. Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm vắc xin phòng cúm như: Nhân viên y tế, trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; người có bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/202012/khong-chu-quan-voi-benh-cum-mua-lanh-174287