Không chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ

Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 ca đậu mùa khỉ, trong đó 2 ca được phát hiện vào tháng 10/2022 có dịch tễ từ nước ngoài về; 2 ca vừa phát hiện tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh qua điều tra dịch tễ, trong 20 ngày qua cả hai bệnh nhân không đi nước ngoài, chưa có yếu tố tiếp xúc người nước ngoài.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhiều khả năng đây là các ca bệnh nội địa. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), báo cáo dịch tễ đậu mùa khỉ tháng 9 (tính đến ngày 19/9), thống kê trong 4 tuần trước đó (18/8-11/9) toàn cầu có thêm 1.131 ca mới, trong đó khu vực dịch tễ Tây Thái Bình Dương (là khu vực bao gồm Việt Nam) chiếm 57% số ca bệnh (548 trường hợp), khu vực dịch tễ Đông Nam Á bên cạnh xếp thứ hai với 136 trường hợp.

Đánh giá nguy cơ để phòng ngừa phù hợp

Theo Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hai bệnh nhân đầu tiên được phát hiện vào tháng 10/2022 có dịch tễ đi từ Dubai về, đã xuất viện sau 3 tuần điều trị. Hai bệnh nhân mới nhất được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, trong đó nam bệnh nhân trú tại Đồng Nai (tạm trú tại TP Hồ Chí Minh) và người yêu ở Bình Dương.

Triệu chứng khởi phát của nam bệnh nhân là nổi hạch bên bẹn, sưng đau ở cơ quan sinh dục và nổi 2- 3 mụn nước nhỏ. Sau đó, nổi thêm các nốt mủ ở tay, chân, ngực, các nốt loét xuất hiện toàn thân, ngứa và khó chịu. Hiện cả hai đang được cách ly, điều trị, không có sang thương mới.

Bệnh đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc khoảng cách gần.

Bệnh đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc khoảng cách gần.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xác định được 8 người tiếp xúc gần với nam bệnh nhân và 3 người tiếp xúc với nữ bệnh nhân, đều được xét nghiệm và cách ly theo dõi.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong 3 tuần trước khi khởi phát triệu chứng, cả hai bệnh nhân chỉ ở Việt Nam, không đi nước ngoài. Điều tra dịch tễ học chưa tìm thấy yếu tố liên quan đến nước ngoài, nhiều khả năng đây là các ca bệnh nội địa. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạo CDC TP với CDC Bình Dương và Đồng Nai đều tra dịch tễ, nhất là tiền sử đi lại, tiếp xúc của người bệnh để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, 2 ca mắc đậu mùa khỉ hiện chưa rõ nguồn lây, do đó cần giám sát, điều tra dịch tễ xem xem có tiếp xúc với những người đi từ vùng dịch về hay không. Ngoài ra, cần giám sát ở cộng đồng xem có bệnh nhân nào mới không. Từ đó, đánh giá nguy cơ lây lan bệnh. Mặt khác, cần tăng cường giám sát ở cửa khẩu, đặc biệt là những người đi từ vùng dịch tễ về.

Đánh giá về tình hình lây lan, ông Phu cho rằng, nguy cơ lây bùng phát bệnh đậu mùa khỉ thành dịch lớn là thấp, bởi đây không phải là bệnh lây trong nhóm cộng đồng lớn. Người dân không nên quá hoang mang, nhưng cũng không được chủ quan, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh cá nhân, như che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường…

Theo ông Phu, quan trọng nhất hiện nay là đánh giá nguy cơ, nguy cơ đến đâu, đáp ứng phòng bệnh đến đó, dịch sẽ không rơi vào tình trạng bùng phát mất kiểm soát. Đánh giá nguy cơ quan trọng trong lúc này bởi có rất nhiều bệnh dịch khác đang bùng phát như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tay chân miệng…

Chưa có vaccine, tăng cường phòng bệnh

Theo Bộ Y tế, khó khăn hiện nay là Việt Nam chưa có bộ kít xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ, trước mắt chẩn đoán bệnh cần dựa vào triệu chứng lâm sàng để sàng lọc. Sau này có các chẩn đoán cận lâm sàng đặc hiệu sẽ áp dụng. Bệnh đậu mùa khỉ chưa có vaccine đặc hiệu, trên thế giới hiện chỉ tiêm vac_cine đậu mùa.

Theo WHO, đến nay, kết quả một số nghiên cứu cho thấy vaccine đậu mùa trước đây có hiệu quả nhất định trong việc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Hiện, một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vac_cine phòng bệnh đậu mùa thế hệ mới để sử dụng phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc khoảng cách gần với người bệnh bao gồm qua tiếp xúc mặt với mặt, cọ xát da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục. Bệnh thường diễn biến qua 2 giai đoạn, giai đoạn sốt kéo dài 0-5 ngày với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, đau lưng, đau cơ, hạch lympho viêm và sưng đau, kiệt sức. Giai đoạn phát ban ngoài da (mụn nước, mụn mủ) thường bắt đầu từ 1-3 ngày sau khi xuất hiện sốt. Ngoài ở mặt, lòng bàn tay, bàn chân, nốt phát ban hay gặp niêm mạc miệng, niêm mạc sinh dục và kết mạc. Hầu hết triệu chứng của bệnh tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng, thậm chí tử vong. Đặc biệt, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Để phòng bệnh, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời, đồng thời cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống). Khi quay trở về Việt Nam chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/khong-chu-quan-voi-benh-dau-mua-khi-i708577/