Không có diễn biến bất thường về giá

Theo báo cáo của một số địa phương và qua công tác nắm bắt thông tin thị trường giá cả của Cục Quản lý giá cho thấy, tình hình cung cầu thị trường ngày 30 Tết là ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần diễn ra bình thường, không có diễn biến bất thường về giá...

Chiều 30 Tết Quý Mão

Chợ hoa Quảng Bá chiều 30 Tết tấp nập khách mua.

Chợ hoa Quảng Bá chiều 30 Tết tấp nập khách mua.

Cụ thể, lượng người dân mua sắm cơ bản ổn định, không nhiều vì đây ngày thứ hai được nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán nên người dân đi mua sắm chuẩn bị cuối năm cũng đã ít hơn so với ngày đầu nghỉ Tết. Hoạt động mua sắm của người dân chủ yếu là ở một số mặt hàng phục vụ cúng giao thừa và sáng mùng 1 như: Hoa quả tươi, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống.

Do các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết đã được triển khai chủ động trước Tết. Lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn.

Một số siêu thị có kế hoạch mở cửa xuyên Tết nên sẽ đáp ứng được nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, giảm mạnh hiện tượng đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết tại các tỉnh thành phố lớn.

Về cơ bản, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định, một số mặt hàng tăng giá nhẹ tập trung ở các mặt hàng phục vụ nhu cầu thờ cúng và tiêu dùng trong dịp Tết như rau củ quả, trái cây, một số mặt hàng thủy hải sản,..

Tại Hà Nội, khu vực chợ Tía, huyện Phú Xuyên, khảo sát của các cán bộ thị trường của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú đa dạng, giá cả thị trường tương đối ổn định so với ngày thường, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Giá ổn định so với ngày 29 Tết. Một số mặt hàng có giá: Thịt bò bắp 290.000 đồng/kg, giò lụa 150.000 đồng/kg, cá chép 60.000 đồng/kg, phí trông giữ xe máy 5.000 đồng/lượt...

Chợ Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội, sức mua giảm so với 29 Tết. Giá gạo và thịt tăng nhẹ. Giá bia, nước ngọt ổn định. Giá thóc gạo tẻ thường 150.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Thịt lợn nạc thăn 155.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg, gà công nghiệp 90.000đ/kg, tăng 10.000 đồng/kg, giò lụa 220.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg.

Chợ Thổ Quan, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, nguồn cung hàng hóa dồi dào đa dạng, lượng người mua vẫn đông đúc tấp nập như ngày 29 Tết. Giá một số mặt hàng được ghi nhận như sau: Hoa cúc 10.000 đồng/kg, hoa ly 250.000 đồng/chục, hoa dơn 150.000 đồng/chục, rau cải cúc 6.000 đồng/mớ, rau cần 15.000 đồng/mớ, hoa lơ xanh 15.000 đồng/cái, hoa lơ trắng 20.000 đồng/cái, giò bê 180.000 đồng/cây/1kg…

Chợ Kim Quan, phường Việt Hưng, quận Long Biên, nguồn cung thực phẩm nhiều, không có tình trạng khan hàng đẩy giá tăng cao, có mặt hàng đồ tươi sống gồm thịt bò và tôm tăng giá nhẹ. Thịt bò bắp 370.000đồng/kg, tăng 20.000 đồng, Tôm rảo tôm nuôi nước ngọt 370.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng so với ngày 29 Tết.

Giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong ngày mùng 1 Tết là ngày đầu tiên của năm mới không có sự biến động bất thường do nhu cầu mua sắm ngày đầu năm không nhiều, người dân đa phần đã mua sắm, dự trữ đầy đủ trước Tết.

Tại các tỉnh, thành phố lớn một số siêu thị cửa hàng phục vụ xuyên Tết; đến khoảng trưa ngày mùng 1 một số cửa hàng cũng sẽ dần mở của đầu xuân để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu vì vậy nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đầy đủ. Dịch vụ trông giữ xe, cửa hàng ăn uống, đồ lễ thắp hương thường tăng theo quy luật hàng năm do nhu cầu đầu năm đi lễ.

Bộ Tài chính kiến nghị, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khong-co-dien-bien-bat-thuong-ve-gia-320678.html