'Không có kinh tế, không thể có cơ quan báo chí mạnh'

Nhấn mạnh kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được.

Thông tin này được Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết tại hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 14/6.

Tính đến hết năm 2023, đối với báo, tạp chí, tỷ lệ tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 36%, ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên chiếm 25%; đối với phát thanh, truyền hình, tỷ lệ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 6,94%, tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 26,39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 66,67%.

Doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Còn tổng nguồn thu năm 2023 của các đài phát thanh truyền hình giảm 23% so với năm 2022. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền). Có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.

Trích dẫn câu nói của George Bernard Shaw: "Kinh tế là nghệ thuật tạo nên phần lớn cuộc sống", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng trong lĩnh vực báo chí cũng vậy.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng.

Theo ông Dũng, kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra thực tế là dù báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%.

"Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống", ông Dũng nói.

Ngoài ra theo ông Dũng, hiện các cơ quan báo chí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60. Bên cạnh đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định 32 và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.

"Hiện nay, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng thông tin.

Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực điều hướng quảng cáo sang báo chí với việc lập danh sách Whitelist với thông điệp “Làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo, và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch”. Việc triển khai đã có kết quả bước đầu, song cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai để phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

“Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế”, ông Dũng lưu ý.

Doanh thu của các cơ quan báo, tạp chí năm 2023 giảm gần 10% so với năm 2022. Ngay cả báo điện tử ngày rất thu hút ngày rất thu hút đông đảo độc giả thì 70% - 75% doanh thu “quảng cáo số” vẫn chảy vào túi các nền tảng công nghệ xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok… Các trang tin, trang mạng xã hội cũng cạnh tranh quyết liệt, khiến vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh số càng trở nên cấp thiết và cần thiết hơn bao giờ hết.

Ngọc Lưu

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/khong-co-kinh-te-khong-the-co-co-quan-bao-chi-manh-d112050.html