Không có nước nào không áp thuế giá trị gia tăng phân bón
Khi Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới, chính sách thuế cần phù hợp với các nước để thúc đẩy ngành sản xuất phân bón tự lực, tự cường.
Trung Quốc, Nga và Ấn Độ là 3 nước sản xuất, xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới.
Theo chính sách thuế hiện hành ở Trung Quốc, phân bón áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) là 13%. Trung Quốc dự kiến điều chỉnh một số chính sách thuế và trợ cấp cho phân bón, nhằm hỗ trợ các sáng kiến nông nghiệp xanh và bền vững. Tại Nga, thuế VAT là 20%, còn Ấn Độ là 13%.
“Phân bón làm từ nguyên liệu hóa thạch như dầu mỏ, dầu thô, khí thiên nhiên qua quá trình chế biến phức tạp việc áp thuế liên quan đến cả ngành công nghiệp phía sau. Thái Lan, Malaysia, Singapore đều áp dụng thuế VAT cho phân bón, không có nước nào không áp thuế VAT phân bón như Việt Nam”, ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam thông tin.
Việt Nam đã bắt đầu hình thành ngành công nghiệp sản xuất phân bón. Cho tới thời điểm này, Việt Nam có vài trăm nhà máy sản xuất phân bón các loại, tạo ra sản lượng phân bón vài trăm triệu tấn. Hàng năm, ngành nông nghiệp sử dụng khoảng 11-12 triệu tấn phân bón các loại. Điều này cho thấy phân bón là hàng sản xuất nông nghiệp, mà nông nghiệp trong chính sách của các quốc gia coi là mặt hàng cần được ưu tiên khác với các loại hàng hóa khác.
“Thuế VAT thấp ở mức độ vừa phải có lợi hơn rất nhiều so với đối tượng không chịu thuế VAT”, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Phụng phân tích, trong một nền kinh tế mở, giao thương với nước ngoài việc đưa phân bón không chịu thuế có tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và giá cả các loại phân bón. Năm 2014 không có số liệu để minh chứng chịu thuế 5% sẽ tốt hơn không chịu thuế. Nhưng sau 10 năm qua đã có bức tranh toàn cảnh.
Cụ thể hơn, chuyên gia nêu rõ, thứ nhất, ngân sách nhà nước (NSNN) đã mất đi số thu thuế VAT khâu nhập khẩu (ước tính mỗi năm mất thu khoảng trên 1.000 tỷ đồng) do phân bón nhập khẩu áp dụng thống nhất như hàng sản xuất trong nước theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thứ hai, giá bán phân bón trong nước bị tăng lên (hiệu ứng tác động đẩy giá) do toàn bộ số thuế VAT đầu vào không được khấu trừ buộc doanh nghiệp phải hạch toán vào giá thành và đẩy giá bán tăng lên. Theo báo cáo của Hiệp hội Phân bón, sau khi Luật 71/2014 có hiệu lực, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2 - 6,1%.
Thứ ba, gắn liền với việc mất thu NSNN khâu nhập khẩu, còn tạo ra nhiều khó khăn cho ngành công nghiệp sản xuất phân bón trong nước bởi phân bón nhập khẩu không chịu thuế VAT mà còn được nước xuất khẩu hoàn lại thuế (ví dụ Trung Quốc 13%, Nga 20%, Ấn Độ là 13%).
“Phân bón được chuyển sang diện không chịu thuế VAT, Việt Nam bị thua thiệt cả ba nhà: Nhà nước bị mất thu NSNN mà vẫn không thể thực hiện được cơ chế hỗ trợ hợp pháp cho nông nghiệp để giảm giá bán trong nước khi giá phân bón thế giới tăng. Nhà nông không được hưởng lợi giảm giá, giảm chi phí đầu vào dù giá phân bón tăng hay giảm do doanh nghiệp phải hạch toán thuế VAT đầu vào không được khấu trừ đưa vào giá thành, cộng vào giá bán để bảo toàn vốn. Nhà sản xuất phân bón trong nước luôn bị yếu thế trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu trong cả 2 trường hợp phân bón thế giới tăng và giảm”, ông Phụng nêu vấn đề.
Do quy định phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT, nhiều trường hợp các doanh nghiệp phân bón vừa thực hiện xuất khẩu (để được khấu trừ thuế VAT đầu vào của lô hàng xuất khẩu theo quy định); đồng thời vừa phải nhập phân bón từ nước ngoài. Điều này sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới nếu như tiếp tục duy trì quy định hiện hành về thuế VAT đối với mặt hàng phân bón có thể dẫn tới tiềm ẩn rủi ro trong quản lý vĩ mô.
Ngoài kiến nghị đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 5%, ông Phụng còn đề xuất sửa Điều 15 trong Dự án sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng. Trong Tờ trình của Bộ Tài chính gửi đến Chính phủ tại Dự án sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, tại Khoản 3, Điều 15 của Dự thảo các trường hợp hoàn thuế có nêu: “... Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế giá trị gia tăng”.
“Theo tôi, nên bỏ từ “chỉ" trong cụm từ nói trên. Theo quy định, có thể hiểu là doanh nghiệp chỉ có 1 loại thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5% thì mới được hoàn thuế. Còn những doanh nghiệp có từ 2 loại thuế suất thuế giá trị gia tăng trở lên thì không được hoàn thuế. Điều này là không công bằng đối với các doanh nghiệp có từ 2 loại thuế suất thuế giá trị gia tăng trở lên” chuyên gia thuế phân tích.
Thực tế, doanh nghiệp được tự do kinh doanh nên đa phần doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, rất ít doanh nghiệp chỉ sản xuất một lĩnh vực chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Do đó, sửa Luật thuế giá trị gia tăng cần đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng 5%...
Đơn cử, doanh nghiệp là nhà sản xuất phân bón và kinh doanh hóa chất, nếu hàng hóa phân bón thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% và hóa chất chịu thuế suất 10% thì doanh nghiệp đó sẽ không được hoàn thuế. Do đó, thuật ngữ “chỉ” làm giới hạn đối tượng được hoàn thuế và không đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng 5%.
Còn ông Nguyễn Trí Ngọc cũng kỳ vọng vào sự thấu hiểu của các đại biểu Quốc hội. “Tôi hiểu rằng, sắc thuế VAT là nguồn thu thuế lớn, là một trong những trụ cột của hệ thống thuế, nhưng phải làm sao để bền vững, hiệu quả. Như vậy, việc điều chỉnh thuế VAT để từ nhóm không chịu thuế sang chịu thuế với mức thuế 5% là rất cần thiết”.
Ông Phụng kiến nghị, Hiệp hội Phân bón Việt Nam nên có buổi làm việc với doanh nghiệp nếu áp dụng thuế VAT 5% với doanh nghiệp phân bón, doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào nên giảm giá bán cho bà con, chứng minh lợi ích của việc điều chỉnh thuế và đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế nông nghiệp.
“Chúng ta phải giải thích cho nông dân áp dụng thuế VAT 5% là người dân hưởng lợi chứ không phải giá phân bón sẽ tăng lên 5% vì giá đầu vào đã được khấu trừ không có lý gì giá bán ra tăng.
Các nhà khoa học phải đưa đến thông tin áp dụng thuế VAT 5% có lợi hơn so với miễn thuế. 10 năm trước không có cơ hội làm thì nay có cơ hội tốt hơn”, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế nhấn mạnh.