Không coi 'dao có tính sát thương' là vũ khí khi người dân sử dụng trong sản xuất, sinh hoạt

Góp ý với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các đại biểu nhất trí bổ sung 'dao có tính sát thương' vào nhóm vũ khí thô sơ, đồng thời đề nghị đây không được coi là vũ khí khi người dân sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt...

Tại phiên họp tổ chiều 24.5, đa số đại biểu Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định (Tổ 8) nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ) phát biểu. Ảnh: H.Lan

ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ) phát biểu. Ảnh: H.Lan

ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ) cho biết, qua 5 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bên cạnh những kết quả đạt được đã phát sinh một số quy định bất cập, không phù hợp, chưa đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

"Chính vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) để phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới", ĐBQH Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP. Cần Thơ, nhấn mạnh.

Góp ý vào các nội dung cụ thể, nhiều đại biểu đề cập đến việc dự thảo Luật bổ sung "dao có tính sát thương" vào nhóm vũ khí thô sơ (điểm b, Khoản 4 Điều 3).

ĐBQH Nguyễn Văn Thuận cho rằng, bổ sung quy định này là phù hợp. Lý do là hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại dao có tính sát thương cao, nguy hiểm như vũ khí quân dụng (dao bầu, dao mèo, dao phay...) do các doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh, mua bán chưa được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ.

Quang cảnh thảo luận Tổ 8. Ảnh: H.Lan

Quang cảnh thảo luận Tổ 8. Ảnh: H.Lan

Bên cạnh đó, một người có thể dễ dàng mua hoặc tự chế các loại dao có tính sát thương cao để sử dụng, gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây mất an ninh, trật tự.

"Trong 5 năm qua, trên cả nước phát hiện 16.000 vụ việc, bắt giữ trên 26.000 đối tượng có sử dụng dao các loại và công cụ, phương tiện tương tự dao để thực hiện các hành vi giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép dao, công cụ, phương tiện tương tự dao vì Luật hiện hành chưa quy định dao, phương tiện tương tự dao là vũ khí", ĐBQH Nguyễn Văn Thuận cho biết.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng, dự thảo Luật cần quy định dao có tính sát thương cao mới là vũ khí thô sơ, khi đối tượng tàng trữ, sử dụng với ý thức chủ quan, động cơ, mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người và trái pháp luật thì mới được xác định là vũ khí quân dụng.

"Các loại dao có tính sát thương cao không được coi là vũ khí khi người dân sở hữu để sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt", đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị.

Cùng quan điểm, ĐBQH Tráng A Tủa (Điện Biên) nhất trí bổ sung "dao có tính sát thương" vào nhóm vũ khí thô sơ.

ĐBQH Tráng A Tủa (Điện Biên) phát biểu. Ảnh: H.Lan

ĐBQH Tráng A Tủa (Điện Biên) phát biểu. Ảnh: H.Lan

Đại biểu dẫn báo cáo của Bộ Công an cho biết, trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối... thì có tới 88,4% đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án.

"Nhiều đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm...) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc trong dư luận xã hội, gây hoang mang, lo lắng trong dân. Tuy nhiên, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí".

Ở khía cạnh khác, đại biểu Tráng A Tủa cho rằng, dao có tính sát thương cao là phương tiện lưỡng dụng được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày.

Do đó, đại biểu nhất trí bổ sung quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Cũng đồng tình quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, như vậy vừa quản lý được, vừa bảo đảm khi có vụ việc thì thuận lợi trong công tác xử lý.

Vậy nhưng, dao có tính sát thương cao cũng được sử dụng phổ biến trong các hộ gia đình. Bên cạnh đó, nước ta hiện nay có nhiều lò rèn, có làng nghề nổi tiếng sản xuất các loại dao truyền thống.

"Đưa vào (bổ sung quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ - PV) thì đúng rồi, nhưng quản lý như thế nào thì trong dự thảo Luật chưa thấy rõ. Dự thảo Luật cần có quy định hợp lý để bảo đảm nhu cầu dao là vật liệu trong gia đình", đại biểu Lý Tiết Hạnh đề xuất.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/khong-coi-dao-co-tinh-sat-thuong-la-vu-khi-khi-nguoi-dan-su-dung-trong-san-xuat-sinh-hoat-i372724/