Không còn cửa 'xuất ngoại trốn thuế': Ngành Thuế siết kỷ cương bằng công nghệ
Cục Thuế và Cục Quản lý xuất nhập cảnh vừa ký kết Quy chế phối hợp trao đổi thông tin tạm hoãn xuất cảnh bằng hình thức điện tử, nhằm siết chặt kỷ cương thuế, ngăn chặn tình trạng né tránh nghĩa vụ tài chính qua đường xuất cảnh.
Tình trạng người nộp thuế cố tình chây ỳ, thậm chí tìm cách xuất cảnh để trốn tránh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước ngày càng diễn biến phức tạp. Trong khi đó, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là giữa ngành Thuế và lực lượng quản lý xuất nhập cảnh, vẫn còn tồn tại bất cập do phụ thuộc vào phương thức truyền thống, chậm trễ và thiếu đồng bộ. Trước yêu cầu cấp thiết phải nâng cao hiệu quả cưỡng chế thuế bằng giải pháp công nghệ hiện đại, chiều 12/5, Cục Thuế (Bộ Tài chính) và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã ký kết Quy chế phối hợp trao đổi thông tin tạm hoãn xuất cảnh bằng hình thức điện tử.

Cục Thuế và Cục Quản lý xuất nhập cảnh ký kết Quy chế phối hợp trao đổi thông tin tạm hoãn xuất cảnh bằng hình thức điện tử
Cụ thể hóa công cụ pháp lý
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, công tác quản lý thuế ngày càng đòi hỏi sự đồng bộ giữa pháp luật, công nghệ và trách nhiệm liên ngành. Mặc dù hệ thống thuế đã có nhiều cải tiến về thể chế và công nghệ, nhưng thực tế vẫn còn những trường hợp người nộp thuế (NNT) cố tình trốn tránh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 49/2025/NĐ-CP. Một trong những biện pháp quan trọng là tạm hoãn xuất cảnh đối với tổ chức, cá nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Theo thống kê, đến nay cơ quan thuế các cấp đã ban hành hơn 61.000 thông báo tạm hoãn xuất cảnh, với tổng số tiền thuế nợ lên tới hơn 83.000 tỷ đồng. Trong đó có tới 36.600 NNT đã bỏ địa chỉ kinh doanh, nợ khoảng 13.400 tỷ đồng. Từ các biện pháp phối hợp hiện hành, ngành Thuế đã thu được gần 5.000 tỷ đồng từ hơn 7.300 NNT đang bị tạm hoãn xuất cảnh.
Tuy nhiên, phương thức gửi thông báo bằng văn bản giấy hay công văn hành chính truyền thống còn bộc lộ nhiều hạn chế: chậm trễ về thời gian, thiếu đồng bộ dữ liệu, làm phát sinh chi phí hành chính và ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp liên ngành. Vì vậy, việc xây dựng một cơ chế phối hợp điện tử hiện đại là bước đi cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả cưỡng chế thuế, phát huy vai trò răn đe và đảm bảo công bằng trong thực thi pháp luật thuế.
Nền tảng cho nền hành chính hiện đại, minh bạch
Phát biểu tại lễ ký kết, Trung tướng Phạm Đăng Khoa – Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhấn mạnh: “Quy chế phối hợp là kết quả nghiêm túc trong triển khai Nghị định 49/2025/NĐ-CP của Chính phủ và cũng là bước tiến cụ thể trong hiện thực hóa chủ trương chuyển đổi số quốc gia trong hoạt động quản lý nhà nước”.
Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết, việc chia sẻ thông tin giữa hai cơ quan sẽ không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là vấn đề bảo mật, bởi dữ liệu về cư trú, thuế và xuất nhập cảnh là tài sản vô giá, cần được bảo vệ nghiêm ngặt theo các chuẩn an ninh mạng quốc gia.
Ở góc độ ngành Thuế, Cục trưởng Mai Xuân Thành khẳng định, hai cơ quan sẽ khẩn trương triển khai các nội dung của Quy chế. Trong đó, các đầu mối như Ban Nghiệp vụ thuế và Ban Công nghệ thông tin sẽ phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, an toàn và bảo mật.
“Cục Thuế cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại trong việc truyền, nhận thông tin nộp thuế điện tử. Mục tiêu là rút ngắn thời gian xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế để kịp thời gỡ bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế chấp hành đúng quy định”, Cục trưởng Cục Thuế nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành
Quy chế phối hợp giữa Cục Thuế và Cục Quản lý xuất nhập cảnh có hiệu lực thi hành ngay sau lễ ký kết. Đây là bước cụ thể hóa chủ trương tăng cường phối hợp liên ngành, đồng thời là cơ sở để xử lý thông tin tạm hoãn xuất cảnh theo phương thức điện tử, đảm bảo pháp lý – hiệu quả – chính xác.
Việc triển khai mô hình này không chỉ góp phần bảo vệ kỷ cương ngân sách, mà còn là minh chứng cho nỗ lực hiện đại hóa nền hành chính công, đưa công nghệ thông tin vào từng khâu của quản lý thuế và xuất nhập cảnh. Qua đó tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng và khuyến khích tuân thủ pháp luật.