Tăng tốc xuất khẩu tận dụng 90 ngày hoãn thuế là động lực dẫn dắt kinh tế tháng qua
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2025 đạt 276,89 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất siêu sang Mỹ đạt 37,7 tỷ USD tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia, việc tăng tốc xuất khẩu để tận dụng 90 ngày hoãn thuế là một trong những động lực dẫn dắt đà tăng trưởng xuất khẩu trong vài tháng gần đây.
Động lực và thách thức giữa vòng xoáy chính sách thuế quan Mỹ
Chia sẻ tại talkshow "Data Talk | Macro Insight: Cập nhập GSO tháng 4 & Các biểu hiện kinh tế Mỹ cùng chính sách thuế quan" phát sóng ngày 12/5, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) đã đưa ra một số đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại, đặc biệt khi chỉ số PMI đang ở mức rất là thấp chỉ đạt khoảng 45,6 điểm.
Trong đó, về mặt tích cực của số liệu kinh tế vĩ mô tháng 4 vừa qua, có thể kể đến chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng tốc rõ rệt. Theo ông Linh, điều này có thể được lý giải bởi việc các doanh nghiệp đang tăng tốc hoàn thành đơn hàng để có thể vận chuyển trước thời hạn được miễn thuế.
Một điểm sáng khác trong bức tranh kinh tế tháng 4 là hoạt động xuất khẩu tăng trưởng rất tốt và tiếp tục được dẫn dắt bởi thị trường Mỹ.
"Nếu nhìn vào số liệu xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm, có thể thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 13%, trong đó kim ngạch xuất khẩu đến thị trường Mỹ tăng khoảng 25%. Riêng thị trường Mỹ đóng góp hơn một nửa vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng vừa qua. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu để tránh thuế quan tiếp tục là động lực dẫn dắt xuất khẩu Việt Nam", ông Nguyễn Hoàng Linh nhận xét.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF). Ảnh chụp màn hình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số điểm tương đối quan ngại, trong đó có việc chỉ số PMI sụt giảm mạnh trong tháng 4. Ông Linh cho biết đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà là tình hình chung của hầu hết các quốc gia xuất khẩu chính trong khu vực châu Á, trừ một số ngoại lệ như Ấn Độ vẫn ở trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 4. Theo ông, điều này chủ yếu do số lượng đơn hàng mới trong tháng 4 đã về mức thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây.
Chuyên gia VCBF thông tin thêm Mỹ đang tạm hoãn thuế quan với Việt Nam đến ngày 9/7. Do đó, hiện tại, các doanh nghiệp chỉ có thể tiếp tục đẩy mạnh sản xuất đối với những đơn hàng hiện hữu, bởi với đơn hàng mới, doanh nghiệp cần phải có thời gian nhập hàng, chuẩn bị hàng và giao hàng. Việc này phải mất ít nhất là 3 - 6 tháng thì mới có thể vận chuyển sang Mỹ.
"Mốc thời gian ngày 9/7 có thể là tính ở thời điểm hàng cập cảng Mỹ. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu bằng đường biển, thời gian giao hàng cần từ 30 - 45 ngày. Có nghĩa là trong quan điểm thận trọng, các doanh nghiệp Việt Nam phải xuất hàng trong khoảng từ ngày 20 - 30/5 thì mới kịp đến Mỹ trong thời hạn hoãn thuế", ông Nguyễn Hoàng Linh nhận định.
Trong khi đó, đối với xuất khẩu, mặc dù kim ngạch vẫn giữ tăng trưởng tốt nhưng thặng dư thương mại lũy kế 4 tháng chỉ ở mức 3,8 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với mức 9 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, chuyên gia cho rằng khó có thể đạt được mục tiêu thặng dư thương mại hàng hóa 30 tỷ USD mà Chính phủ đã đặt ra cho năm nay.
Trong một góc nhìn khác, chia sẻ với báo chí về tác động của thuế đối ứng của Mỹ đối với Việt Nam, PGS. TS Phan Hữu Nghị, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, chính sách này sẽ có những tác động đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam, dù trong giai đoạn đàm phán hay sau đàm phán. Vì trong thời gian được hoãn áp thuế, tất cả các hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đang chịu mức thuế tạm thời 10%.
“Trước đây, Mỹ cũng áp dụng biện pháp tạm thời là đặt cọc trong thời gian tiến hành điều tra bán phá giá đối với cá tra và tôm Việt Nam. Theo đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá và tôm phải đặt cọc thay vì nhà nhập khẩu. Điều này đã dẫn tới hạn chế hàng xuất khẩu, giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu nếu muốn bán hàng sang Mỹ ngay trong giai đoạn đàm phán”, PGS. TS Phan Hữu Nghị nói.
Đa phần doanh nghiệp đang “vừa sản xuất vừa phòng thủ”

Ông Trần Ngọc Báu, Chuyên gia Kinh tế Tài chính, CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup. Ảnh chụp màn hình.
Ông Trần Ngọc Báu, Chuyên gia Kinh tế Tài chính, CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup đánh giá những số liệu ngắn hạn hiện tại đang cho thấy những kết quả rất tích cực.
Hiện tại, các doanh nghiệp hiện đang xử lý những đơn hàng hiện hữu và tồn đọng. Tuy nhiên, chỉ số về đơn hàng mới trong PMI đang sụt giảm khá sâu, mách bảo sẽ có khó khăn xảy ra khi đơn hàng hiện hữu đang được xử lý tốt nhưng đơn hàng mới lại sụt giảm. Theo ông Báu, đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy hoạt động sản xuất sẽ gặp vấn đề trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, công bố về khảo sát quản trị mua hàng vừa được S&P Global công bố cũng cho thấy thấy chỉ số về lao động đang sụt giảm khá mạnh, chứng tỏ là các doanh nghiệp sản xuất cũng đang thắt chặt khu vực lao động, tức là đa phần khu vực sản xuất đang vừa sản xuất vừa phòng thủ. Theo ông Báu, điều này cũng thể hiện tâm lý thận trọng của doanh nghiệp đối với diễn biến thị trường thời gian tới.
"Chúng ta có thể phải chấp nhận thấy những chỉ số không tích cực trong tương lai, bởi giai đoạn hiện tại, chúng ta đang xử lý những đơn hàng tồn đọng. Điều này cũng chưa phản ánh rõ những tác động tiêu cực của thuế quan vào hoạt động sản xuất", ông Báu nói.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng Việt Nam không đơn độc trong cuộc chơi toàn cầu. Hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã có mở ra cánh cửa để doanh nghiệp tiếp cận các thị trường khác như Nhật Bản, Úc, New Zealand hay ASEAN với mức thuế ưu đãi và rào cản kỹ thuật thấp hơn. Trên thực tế, các doanh nghiệp cũng đang dần chuyển hướng sang nhiều thị trường khác, tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng và yêu cầu chất lượng từ các thị trường mới là khác nhau, do đó bài toán để đáp ứng cũng là câu hỏi lớn với doanh nghiệp.