Không còn là xu hướng, hoạt động kinh doanh xe đạp hậu đại dịch đã đạt đến 'điểm bão hòa'

Trên toàn cầu, đơn cử là thị trường Mỹ, đối với các cửa hàng xe đạp trên toàn quốc, vài năm qua được ví như phiên bản kinh doanh của giải đua xe đạp Tour de France nổi tiếng, với vô số khúc quanh co để thử thách sức bền của họ.

 Sau đại dịch, xu hướng đạp xe đạp ngày càng mờ nhạt. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Sau đại dịch, xu hướng đạp xe đạp ngày càng mờ nhạt. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo dịch vụ theo dõi bán lẻ Circana, vào giai đoạn đầu của đại dịch, sự quan tâm đến việc đi xe đạp đã đẩy doanh số bán hàng tăng 64% lên 5,4 tỷ USD vào năm 2020. Không có gì lạ khi tại thời điểm này, với nhu cầu đạp xe tăng cao, một số cửa hàng bán xe đạp có thể bán ra 100 chiếc trở lên chỉ trong vòng vài ngày.

Tuy nhiên, sự bùng nổ không kéo dài. Cụ thể, trước nhu cầu cực cao của vài năm trước, các cửa hàng đã gặp khó khăn vì vấn đề về chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch. Thời điểm đó các cửa hàng đã bán hết lượng xe đạp sẵn có và rất khó khăn trong việc bổ sung thêm hàng. Đến thời điểm hiện tại, lượng hàng tồn kho đã tăng lên, nhưng số khách hàng có nhu cầu mua xe đạp mới lại giảm đi. Chính vì vậy, các nhà sản xuất xe đạp đã phải giảm giá để giải quyết lượng dư thừa. Tất cả đã tạo nên một môi trường khó khăn cho các nhà bán lẻ.

Stephen Frothingham, Tổng biên tập của Bicycle Retailer & Industry News cho biết: “Ngành công nghiệp đã gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu trong một vài năm, nhưng sau đó nhu cầu chậm lại khiến lượng xe đạp tồn kho tăng lên trông thấy. Vì vậy, trong một năm rưỡi vừa qua, ngành này đã phải vật lộn với việc có quá nhiều hàng dư ở cả cấp độ nhà cung cấp, cấp độ nhà máy, nhà phân phối và nhà bán lẻ”.

Theo Circana, vào năm 2023, doanh số bán xe đạp đạt 4,1 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2019, nhưng vẫn giảm đến 34% so với doanh số thu được vào năm 2020.

Việc chuyển sang hình thức làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến hậu đại dịch đã khiến số người di chuyển bằng xe đạp giảm đi trông thấy, công việc kinh doanh từ đó cũng đặc biệt khó khăn. Điều này được thể hiện rõ nhất qua lời chia sẻ của anh John McDonell, một chủ cửa hàng ở San Francisco (Mỹ) rằng vào mùa hè, từng có 3.000 chiếc xe đạp đi qua cửa hàng của anh mỗi ngày. Song, con số đó đã giảm xuống dưới 1.000, với số người đi làm ít hơn.

Theo Pacer.ai, trang theo dõi hoạt động di chuyển của mọi người dựa trên việc sử dụng điện thoại di động chỉ ra, so với tất cả các thành phố lớn khác ở Mỹ, San Francisco tụt hậu về số lượng người lao động quay trở lại văn phòng làm việc, với số lượng đến văn phòng giảm 49% so với năm 2019.

Hiện nay, các cửa hàng bán xe đạp độc lập không chỉ phải cạnh tranh với các chuỗi cửa hàng trên toàn quốc, mà ngày càng có nhiều nhà sản xuất xe đạp nổi lên như Professional và Trek. Họ mua lại các cửa hàng xe đạp và bán xe đạp trực tiếp cho người tiêu dùng, về cơ bản là bỏ qua khâu trung gian.

Điều này đẩy các chủ cửa hàng xe đạp nhỏ đến cảnh phải cắt giảm nhân sự, thậm chí là đóng cửa khi hết hợp đồng thuê mặt bằng.

Trong một trường hợp khác, ở tiểu bang Colorado (Mỹ), đại dịch đã thúc đẩy làn sóng mua xe đạp mạnh mẽ khi chỉ trong 48h, cửa hàng xe đạp University Bicycles tại thành phố Boulder đã bán được 107 chiếc. Nhưng sau thời kỳ bùng nổ, doanh số bán hàng chậm lại đáng kể. Thời điểm này, các nhà sản xuất rơi vào cảnh sản xuất quá mức, buộc họ phải giảm giá sản phẩm đáng kể. Điều này có lợi cho người tiêu dùng, nhưng với các cửa hàng nhỏ, họ thường không có quá nhiều lợi ích.

Theo chủ của University Bicycles Douglas Emerson, các cửa hàng đã đạt đến “điểm bão hòa”, những người muốn có xe đạp chỉ mua một chiếc. Hiện tại, những sản phẩm bán ra nhiều hơn là các phụ kiện đi kèm như quần áo, mũ bảo hiểm, ổ khóa.

THANH NGÂN (Lược dịch từ AP News)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/khong-con-la-xu-huong-hoat-dong-kinh-doanh-xe-dap-hau-dai-dich-da-dat-den-diem-bao-hoa-141030.html