Không còn nhà dột nát: Dấu ấn an sinh sau 80 năm xây dựng đất nước
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đang đi đến chặng cuối, mang lại chỗ ở kiên cố cho hàng trăm nghìn người dân. Thành công này không chỉ giải quyết nhu cầu thiết yếu về nhà ở, mà còn thể hiện rõ chính sách an sinh xã hội nhất quán, tính nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam.
Mỗi mái nhà vững chãi là một bước tiến của cộng đồng
Tính đến hết ngày 19/7 vừa qua, cả nước đã hỗ trợ xóa được 266.511 căn nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, 231.513 căn đã được khánh thành và 34.998 căn đang tiếp tục được xây dựng. Đáng chú ý, 19 trong số 34 tỉnh, thành trọng điểm đã hoàn thành kế hoạch sớm so với dự kiến.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà còn huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội. Tổng số tiền vận động đạt hơn 17.800 tỷ đồng, bao gồm nguồn từ ngân sách Trung ương, địa phương và xã hội hóa. Hơn 113.000 lượt người đã trực tiếp tham gia xây dựng, đóng góp hơn một triệu ngày công, với sự chung tay của lực lượng quân đội, công an, đoàn viên thanh niên, công nhân và người dân địa phương. Sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị được đánh giá là yếu tố then chốt tạo nên hiệu quả rõ nét của chương trình.

Việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát thực sự là “mệnh lệnh từ trái tim”, thể hiện tình cảm và trách nhiệm không chỉ của đội ngũ cán bộ mà còn của toàn xã hội
Tại Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã xác định các mốc thời gian cụ thể cho việc hoàn thành chương trình xóa nhà tạm. Theo đó, trước ngày 27/7, toàn bộ các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng sẽ được hỗ trợ nhà ở. Trước ngày 31/8 tới, 100% số nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc sẽ được xử lý dứt điểm, đúng dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh. Đây là lần đầu tiên một chương trình an sinh xã hội được xác lập mốc hoàn thành mang tính hiệu triệu trên quy mô quốc gia. So với kế hoạch ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2030, tiến độ đã được rút ngắn 5 năm, thể hiện rõ quyết tâm chính trị và tinh thần hành động khẩn trương với phương châm "làm ngay việc cần làm, không để chậm trễ thêm một ngày nào nữa".
Theo đánh giá của các chuyên gia, thành công của chương trình không chỉ nằm ở việc cải thiện điều kiện nhà ở cho người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nguồn nhân lực, lan tỏa niềm tin trong nhân dân và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Ông Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhận định, việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ đã được đặt ra từ lâu, vừa là mục tiêu, vừa là thước đo cho sự phát triển và tính nhân văn của chế độ ta.

Chính sách xóa nhà tạm, nhà dột không chỉ là chương trình phát triển nhà ở, mà còn là một chính sách an sinh xã hội sâu sắc
Theo ông Phong, đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được cụ thể hóa trong quy hoạch tổng thể và triển khai đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Công tác này được tổ chức bài bản, xác định là nhiệm vụ thường xuyên, gắn với trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Một trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công của chương trình là việc xã hội hóa nguồn lực. Không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, chương trình còn nhận được sự tham gia tích cực từ doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Đây là minh chứng điển hình cho quá trình xã hội hóa bền vững, hiệu quả. Cùng với đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, đi kèm với chính sách động viên, khen thưởng và đưa vào tiêu chí đánh giá kết quả công tác của cán bộ liên quan. Những nỗ lực này góp phần tạo ra động lực tinh thần và thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về nhà ở đã được chuẩn hóa, tạo ra hệ thống tiêu chí rõ ràng, góp phần nâng cao chất lượng phát triển nhà ở xã hội. Việc hoàn thành mục tiêu xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát vào cuối năm nay không chỉ có ý nghĩa lịch sử trong chính sách an sinh xã hội, mà còn khẳng định tính ưu việt của chế độ ta, cả trong mắt người dân lẫn cộng đồng quốc tế. Khi người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có được mái ấm kiên cố, họ sẽ cảm thấy yên tâm, gắn bó hơn với địa phương và đất nước. Đồng thời, mỗi căn nhà được xây dựng cũng là một dự án kinh tế, tạo động lực phát triển và tăng trưởng tại chỗ.
Thành quả của chính sách “không ai bị bỏ lại phía sau"
Bà Đinh Thị Kiều - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cao Sơn, tỉnh Phú Thọ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình (cũ), cho biết, việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát thực sự là “mệnh lệnh từ trái tim”, thể hiện tình cảm và trách nhiệm không chỉ của đội ngũ cán bộ mà còn của toàn xã hội.
Theo bà Kiều, Đà Bắc là một trong những địa phương hoàn thành chương trình xóa nhà dột nát, nhà tạm trước thời hạn. Tính đến ngày 20/5 vừa qua, 100% số nhà cần hỗ trợ theo kế hoạch đã được xây dựng xong. Kết quả này có được là nhờ công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên, hiệu quả, góp phần tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, địa phương đã chú trọng kiểm tra, giám sát cả trong thi công lẫn sau khi công trình hoàn thành, bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí theo đúng quy định. Đặc biệt, chương trình nhận được sự tham gia trực tiếp của lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần tăng tính cộng đồng và hiệu quả triển khai trên thực tế.
“Khi chứng kiến bà con lối xóm, người dân xung quanh còn phải sống trong những căn nhà tạm bợ, không đảm bảo che mưa che nắng, ai cũng cảm thấy xót xa. Những người có trách nhiệm càng thấy cần phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn để giúp người dân có được nơi ở ổn định, từ đó mới đảm bảo được cuộc sống, an ninh và chính trị xã hội được giữ vững”, bà Đinh Thị Kiều nói.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, xóa nhà dột nát, nhà tạm là một trong những thành tựu an sinh xã hội đáng tự hào của Việt Nam trong quá trình phát triển, là kết quả của chính sách đúng đắn và sự kiên định trong việc không bỏ lại ai phía sau, dù chúng ta chưa phải là quốc gia có nền kinh tế mạnh. Điều này lý giải vì sao ở Việt Nam gần như không tồn tại các khu ổ chuột hay cộng đồng người vô gia cư như ở nhiều quốc gia khác, kể cả các nước phát triển. Việt Nam đã không lựa chọn phát triển kinh tế bằng mọi giá mà bỏ quên các nhóm yếu thế. Ngược lại, chúng ta chú trọng vào các chính sách bao trùm, trong đó có việc hỗ trợ người dân có nhà ở an toàn, ổn định.
“Chính sách xóa nhà tạm, nhà dột không chỉ là chương trình phát triển nhà ở, mà còn là một chính sách an sinh xã hội sâu sắc. Khi người dân có chỗ ở ổn định, họ mới có điều kiện tập trung lao động, học tập, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Muốn nâng cao trình độ nguồn nhân lực, trước hết phải bảo đảm được cơ sở hạ tầng cơ bản, trong đó nhà ở là yếu tố đầu tiên cần được giải quyết”, ông Võ nhấn mạnh.
Từ truyền thống văn hóa Á Đông, đặc biệt là tại Việt Nam, người dân luôn coi việc “an cư” là nền tảng để “lạc nghiệp”. Vì vậy, chính sách nhà ở cần phù hợp với tập quán và nhu cầu thực tế trong nước, không thể áp dụng máy móc theo mô hình của các quốc gia phương Tây. Mỗi quốc gia phải xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện và đặc thù phát triển của mình.
Cũng theo ông Võ, Việt Nam đã từng bước giải quyết tốt hai vấn đề cơ bản của cuộc sống là ăn và ở. Đây là nền tảng để tập trung vào các mục tiêu phát triển cao hơn, như nâng cao năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, vấn đề nhà ở không bao giờ dừng lại. Khi thu nhập của người dân tăng, yêu cầu về chất lượng chỗ ở cũng sẽ cao hơn. Vì vậy, nhà ở luôn là bài toán đi cùng với sự phát triển kinh tế.
“Thực tế cho thấy, Việt Nam gần như không còn những căn nhà tranh tre, nứa lá như trước đây. Đây là kết quả của chính sách an sinh xã hội được thực hiện ngay từ những năm đầu đổi mới. Sau khi giải quyết cơ bản vấn đề lương thực, Nhà nước đã tập trung vào cải thiện chỗ ở và đến nay, kết quả đã rất rõ ràng. Người dân có nhà kiên cố, đời sống tinh thần được nâng cao, xã hội ổn định và phát triển”, ông Đặng Hùng Võ nói.
Dù vậy, ông Võ nhấn mạnh, khi nền kinh tế phát triển và thu nhập người dân tăng lên, chính sách nhà ở cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện mới. Hạ tầng, chỗ ở, chất lượng sinh hoạt đều phải được cải thiện theo mức sống. Việt Nam có thể tự hào với những gì đã làm được, nhưng cũng cần tiếp tục nỗ lực vì những mục tiêu cao hơn trong tương lai.