Không để bộ đội xuất ngũ thiệt thòi trong đào tạo nghề

Chỉ vì một số quy định thiếu thực tế mà hiện nay, công tác đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ (BĐXN) chưa đạt hiệu quả cao, làm ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Nguyên nhân này xuất phát từ đâu, hướng giải quyết thế nào để BĐXN không bị thiệt thòi?

Những vướng mắc liên quan đến đào tạo nghề cho BĐXN đã được Báo Quân đội nhân dân nhiều lần phản ánh, nhưng chưa được tháo gỡ. Quá trình tìm hiểu tại cơ sở, chúng tôi tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến của chỉ huy cơ quan quân sự các địa phương về vấn đề này. Thượng tá Trần Vương Long, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình cho biết: “Qua tiếp xúc và nắm bắt, một số cơ sở đào tạo nghề phản ánh với chúng tôi, do UBND tỉnh Ninh Bình chưa phê duyệt danh mục ngành nghề đào tạo nên sau khi được hỗ trợ đã không tiếp nhận, đào tạo BĐXN vì sẽ không được thanh toán kinh phí đào tạo. Sau đó, chúng tôi có kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh và đã được tháo gỡ. Một vấn đề khác là trường hợp thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học rồi mới nhập ngũ thì cấp thẻ học nghề khi xuất ngũ có cần thiết không?". Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Thế Dương, Chính trị viên Ban CHQS huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) nêu ý kiến: “Giá trị thẻ học nghề nên được kéo dài thay vì 12 tháng như hiện nay, cùng với đó cần bảo đảm dễ thanh toán, quyết toán”.

 Quận đoàn Ninh Kiều (Cần Thơ) phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Ảnh: VIỆT PHÁT

Quận đoàn Ninh Kiều (Cần Thơ) phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Ảnh: VIỆT PHÁT

Liên quan đến những vấn đề này, cử tri TP Hải Phòng và tỉnh Long An đã có kiến nghị gửi đến Bộ Quốc phòng thông qua Ban Dân nguyện của Quốc hội. Trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng nêu rõ: Những năm qua, Bộ Quốc phòng thường xuyên phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, các cơ sở đào tạo nghề tăng cường tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả chính sách hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho BĐXN và công tác hậu phương Quân đội. BĐXN tham gia học nghề ở trình độ sơ cấp được miễn học phí, hỗ trợ một phần chi phí về chỗ ở, tiền ăn, sinh hoạt phí. Vì vậy, số lượng BĐXN đăng ký, tham gia học nghề tại các cơ sở dạy nghề trên toàn quốc từng năm đều tăng, đa số sau khi học nghề được hỗ trợ giới thiệu việc làm tại những cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn hoặc tham gia thị trường lao động ngoài nước, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc như cử tri kiến nghị; nhiều trường hợp trước khi nhập ngũ đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học, vì vậy, khi xuất ngũ không có nhu cầu học nghề; thời gian sử dụng thẻ và thủ tục thanh toán, quyết toán còn bất cập... dẫn đến chưa phát huy tốt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với BĐXN. Về giải pháp, Bộ Quốc phòng tiếp thu, nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTBXH kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 61/2015/NĐ-CP cho phù hợp, sát với thực tiễn và bảo đảm tốt hơn quyền lợi đối với BĐXN.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để thanh toán kinh phí đào tạo, các cơ sở đào tạo nghề thực hiện theo hướng dẫn tại Mục 1, Điểm c, Khoản 5, Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH. Theo đó, hằng năm lập kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên gửi bộ, ngành, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định phê duyệt, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí. Cụ thể: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, cơ quan Trung ương trực tiếp quản lý gửi về bộ, ngành, cơ quan Trung ương; cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc địa phương quản lý, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gửi sở LĐTBXH. Từ thực tế thực hiện quy định này, nhiều cơ sở đào tạo nghề cho biết, do BĐXN không đăng ký học tập trung mà mỗi khóa học chỉ có vài người là BĐXN nên không biết phải dự toán kinh phí thế nào.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho biết, theo báo cáo của các địa phương, từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 200.000 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trước khi tham gia thị trường lao động. Đồng thời cho thấy một số khó khăn, vướng mắc trong đào tạo nghề đối với BĐXN như: Một số địa phương chưa lập kế hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp cho thanh niên để tổng hợp chung trong kế hoạch, dự toán chi ngân sách nhà nước của đơn vị gửi cơ quan tài chính hoặc có lập kế hoạch, dự toán nhưng xác định chỉ tiêu, bố trí ngân sách thiếu so với nhu cầu thực tế, nhất là những tỉnh, thành phố trung tâm của vùng, có nhiều trường dạy nghề uy tín nên người học nghề ở những địa phương khác tìm đến đăng ký học, trong khi các trường dạy nghề không thể nhận đào tạo vượt chỉ tiêu được giao. Thời hạn sử dụng thẻ học nghề chỉ 12 tháng nên những người được cấp thẻ chưa thể tham gia học nghề do nguyên nhân khách quan, không thể đi học kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học. Một số địa phương chưa tự cân đối được ngân sách nên chưa bố trí được kinh phí để quyết toán chi hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên. Ngoài ra, việc quyết toán kinh phí tại nhiều địa phương còn vướng mắc về bố trí nguồn kinh phí, đối tượng thụ hưởng (BĐXN trong và ngoài địa phương) nên có tình trạng nhiều đơn vị chưa được thanh toán chi phí đào tạo, hoặc thanh toán chậm dẫn đến tâm lý e ngại khi tiếp nhận thẻ học nghề và tổ chức đào tạo nghề cho đối tượng trên.

Theo đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Đơn vị đã tham mưu với Bộ LĐTBXH chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nghề đối với BĐXN. Bố trí kinh phí và thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí đào tạo nghề cho BĐXN trong và ngoài địa phương theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đã trả lời UBND tỉnh Bình Thuận, UBND TP Cần Thơ và một số địa phương để thống nhất thực hiện; đồng thời, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá kết quả triển khai Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và trao đổi về phương án giải quyết các tồn đọng trong thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên.

Đào tạo nghề cho BĐXN là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhằm quan tâm, động viên thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, những vướng mắc, bất cập nêu trên cần phải được giải quyết một cách thấu đáo để chủ trương, chính sách này phát huy hiệu quả như mong đợi.

ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khong-de-bo-doi-xuat-ngu-thiet-thoi-trong-dao-tao-nghe-724163