Không để đứt gãy mạng lưới vận tải công cộng
Liên quan đến sự việc Công ty TNHH Bắc Hà (Công ty Bắc Hà) xin dừng hoạt động 5 tuyến buýt trợ giá (41, 42, 43, 44, 45), đại diện Sở GTVT khẳng định, TP sẽ có phương án thay thế kịp thời để việc đi lại của người dân Thủ đô không bị ảnh hưởng.
Bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (TRAMOC) Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, hiện tại TP đang có 10 DN tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) với 140 tuyến xe buýt. Mức trợ giá mà TP đang áp dụng là đủ đáp ứng cho DN vận hành các tuyến, đồng thời chu kỳ thanh toán vẫn không xảy ra chậm trễ.
“Hiện, theo chu kỳ thì Sở GTVT đã thanh toán cho các DN VTKCC kinh phí của quý I/2022 và tạm ứng của quý II/2022. Khi nào hoàn tất hồ sơ, thủ tục thì sẽ thanh toán phần còn lại của quý II/2022” - ông Nguyễn Hoàng Hải thông tin.
Về những lo ngại ảnh hưởng đến việc di chuyển, đi lại của người dân sau khi Công ty Bắc Hà đề xuất tạm dừng 5 tuyến xe buýt do cạn kiện nguồn lực tài chính, Giám đốc TRAMOC khẳng định, TP Hà Nội và Sở GTVT nhất quán thực hiện nguyên tắc đảm bảo ổn định, không để xảy ra đứt gãy trong hệ thống VTHKCC.
“Khi một đơn vị (Công ty Bắc Hà - PV) đề xuất như vậy, TP buộc phải có điều chỉnh nhưng dựa trên nguyên tắc rõ ràng. Bên cạnh việc chia sẻ cùng DN, TP còn phải tính toán bảo đảm cho hàng nghìn người đi lại bằng xe buýt mỗi ngày. Do đó, hướng xử lý của TP sẽ là lựa chọn những đơn vị đủ năng lực, có kinh nghiệm, sẵn sàng vận hành hệ thống hiện tại để giao tiếp nhận” - ông Nguyễn Hoàng Hải nói thêm.
Không có chuyện gây sức ép
Ngày 4/7, trao đổi với phóng viên, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Hà Nguyễn Kim Cương cho biết, trong những ngày cuối tuần qua, sự việc đã nhận được chỉ đạo nóng của TP. Theo đó, những đơn vị có trách nhiệm liên quan đang nỗ lực huy động các nguồn để có các phương án tối ưu nhất, mục đích là vẫn đảm bảo VTHKCC trên 5 tuyến buýt 41, 42, 43, 44, 45 được hoạt động ổn định. “5 tuyến xe buýt bằng mọi giá vẫn phải giữ, không được dừng hoạt động. Do đó, người lao động yên tâm hoạt động sản xuất” - ông Nguyễn Kim Cương khẳng định.
Trước câu hỏi của phóng viên về phương án tháo gỡ khó khăn hiện tại của Công ty Bắc Hà, ông Nguyễn Kim Cương cho rằng sẽ có cách giải quyết, đặc biệt là với sự quan tâm của TP, DN khó khăn tới đâu thì cùng tháo gỡ tới đó. Giám đốc Công ty Bắc Hà không đưa ra phương án cụ thể, cũng như vấn đề khó khăn của riêng DN này bắt nguồn từ đâu.
Vừa qua, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn việc, có hay không Công ty Bắc Hà cố tình đẩy sự việc lên cao trào, gây sức ép cho VTHKCC để nhận được sự hỗ trợ từ phía TP Hà Nội đối với 57 phương tiện đang nằm trong ngân hàng. Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc TRAMOC Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, Hà Nội sẽ không hỗ trợ DN như vậy.
“Khi DN tham gia đấu thầu vận hành các tuyến buýt trợ giá, bản thân họ đã phải tự chứng minh được năng lực tài chính cũng như phương tiện để phục vụ VTHKCC. Tình thế hiện tại có nguyên nhân từ cách vận hành DN, sản xuất, kinh doanh không đảm bảo hoặc phát sinh từ các hoạt động kinh doanh khác ngoài VTHKCC” - ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Đối với những nghi vấn mà dư luận đặt ra, Giám đốc TRAMOC cho rằng sẽ không có chuyện một DN nào đưa phương án này ra để gây sức ép vì đây là khó khăn chung, cả DN và TP phải đối mặt trong suốt thời gian qua. Đồng thời, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng đây là thời điểm các hoạt động bắt đầu bình thường trở lại, dù còn nhiều khó khăn nhưng những vấn đề sẽ được tháo gỡ nếu DN và TP cùng đồng lòng.
Riêng về việc Công ty Bắc Hà đơn phương chấm dứt hợp đồng, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, sẽ căn cứ theo hợp đồng để thực hiện chế tài. Báo cáo của Công ty Bắc Hà cũng khẳng định, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước TP và các căn cứ trên hợp đồng.
Hiện tượng một số DN có trọng tâm kinh doanh là xe buýt như Công ty Bắc Hà, khi được trợ giá, được tạo điều kiện thì mở rộng ồ ạt, và đột ngột xin dừng vận hành đồng loạt khi gặp khó khăn cho thấy họ thiếu một chiến lược bền vững. Đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét lại cơ chế đấu thầu, đặt hàng đối với VTHKCC, trong đó có xe buýt. Việc nhận trợ giá cần phải đi kèm với những cam kết lâu dài, chắc chắn của DN, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, trong mọi trường hợp không để đứt quãng dịch vụ công cộng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-de-dut-gay-mang-luoi-van-tai-cong-cong.html