Không để hình thành 'chợ đen' về dữ liệu cá nhân
Cuối tuần qua, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường cho ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN). Nhiều Đại biểu đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định về chế tài mạnh hơn, nghiêm minh hơn để xử lý những hành vi vi phạm về bảo vệ DLCN.

Các Đại biểu họp tại phiên thảo luận. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)
Lộ, lọt dữ liệu cá nhân đang diễn ra ngày càng phổ biến, tinh vi
Cho ý kiến vào dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu thực tế, thời gian qua, hiện tượng lộ, lọt DLCN đang diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi. Từ những thông tin tưởng như vô hại như số điện thoại, địa chỉ email đến thông tin về tài khoản ngân hàng, hồ sơ y tế đều có thể bị thu thập, mua bán, sử dụng một cách trái phép. Hệ quả là các hành vi lừa đảo qua mạng bùng phát mạnh mẽ, dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền và đấu tranh với loại tội phạm này.
Do vậy, theo ĐB, việc QH xem xét ban hành Luật này là hết sức cấp thiết nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền con người trong không gian số và thúc đẩy phát triển kinh tế số một cách an toàn, bền vững.
Cơ bản tán thành với quy định nghiêm cấm hành vi mua, bán DLCN, nhưng ĐB Nga cho rằng, nếu quy định theo hướng cấm tuyệt đối mà không có ngoại lệ hợp lý sẽ gây khó khăn trong thực thi, đồng thời có thể triệt tiêu một số mô hình kinh doanh số hợp pháp đang phát triển. Do đó, ĐB đề nghị chỉnh lý theo hướng: “Nghiêm cấm hành vi mua bán, chuyển nhượng DLCN mà không có sự đồng ý rõ ràng của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khác”.
Đồng tình với quy định cấm mua bán DLCN, song ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề xuất chỉ nên cấm mua bán DLCN phi pháp, bất hợp pháp, không đúng quy định pháp luật. ĐB Hòa lý giải, việc mua, bán DLCN vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì mục đích riêng tư của cá nhân mà chủ thể DLCN đồng tình, đồng ý mua bán với nhau thì nên cho phép. Tuy nhiên, ĐB lưu ý, cần cấm đối với những hành vi mua bán DLCN nhạy cảm, những dữ liệu không được sự cho phép của chính quyền.

Đại biểu Trần Kim Yến.
Để Luật thực sự có sức răn đe, đi vào cuộc sống, ĐB Trần Kim Yến (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất phải bổ sung, sửa đổi các quy định về chế tài mạnh hơn, nghiêm minh hơn để xử lý những hành vi vi phạm về bảo vệ DLCN. Theo ĐB, hiện tại các chế tài xử phạt vi phạm về quyền riêng tư, về sự riêng tư nói chung và DLCN riêng tư nói riêng vẫn còn thấp so với các chế tài ở các quốc gia khác, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
“Chế tài xử phạt nghiêm minh, khả thi không chỉ giúp bảo vệ người dân mà còn tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững”, ĐB Yến nêu rõ và đề xuất cần có cơ chế giám sát để bảo đảm việc áp dụng chế tài diễn ra đúng quy định, tránh tình trạng lạm quyền hoặc gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân liên quan.
Cần cấm mua, bán DLCN như hàng hóa thông thường
Phát biểu làm rõ các nội dung ĐB quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh, thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với quy mô lớn đã triệt phá, đấu tranh thì yếu tố lộ, lọt, mua bán DLCN là nguyên nhân chính khiến tội phạm thực hiện hành vi phạm tội. Việc mua bán DLCN như hàng hóa diễn ra với số lượng rất lớn, bán nhiều lần cho nhiều đối tượng để phân tích, khai thác, xây dựng các kịch bản lừa đảo và tiếp cận nạn nhân chính xác và dễ dàng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.
Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, nếu không quy định việc cấm mua, bán DLCN như hàng hóa thông thường và có chế tài xử lý nghiêm minh thì thực tiễn sẽ phát sinh rất nhiều phương thức, thủ đoạn để hình thành “chợ đen” về DLCN, gây hậu quả thiệt hại rất lớn và nỗi bất an cho người dân. Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật cũng đã bổ sung, chỉnh lý để điều chỉnh hoạt động cho thuê, mượn DLCN để thực hiện hành vi trái pháp luật, thể hiện ở khoản 5 Điều 7 về việc cấm sử dụng DLCN của người khác, cho người khác sử dụng dữ liệu của mình để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật điều chỉnh cả môi trường truyền thống và môi trường điện tử. Thực tế hiện nay, dữ liệu trong quá trình thu thập, xử lý có thể được chuyển trạng thái liên tục giữa môi trường truyền thống và môi trường điện tử, nếu chỉ quy định trong môi trường điện tử sẽ tạo khoảng trống pháp lý, tạo kẽ hở để tội phạm lợi dụng xâm phạm DLCN.
Bộ trưởng cũng khẳng định, về thủ tục hành chính, Ban soạn thảo đã tiếp thu, cắt giảm triệt để, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho cá nhân và doanh nghiệp...