Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân theo hướng nghiêm cấm mua bán, chuyển nhượng dữ liệu cá nhân

Thời gian qua, hiện tượng lộ, lọt dữ liệu cá nhân đang diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi. Từ những thông tin tưởng như vô hại như số điện thoại, địa chỉ email đến thông tin về tài khoản ngân hàng, hồ sơ y tế đều có thể bị thu thập, mua bán, sử dụng một cách trái phép.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho rằng hệ quả của việc lộ lọt dữ liệu cá nhân khiến các hành vi lừa đảo qua mạng bùng phát mạnh mẽ, dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền và đấu tranh với loại tội phạm này. Từ đó phần nào gây bất ổn trong xã hội và ảnh hưởng tới niềm tin của người dân.

Bà Việt Nga cho rằng, một trong những nguyên nhân là chúng ta vẫn chưa có một đạo luật riêng để điều chỉnh đồng bộ và đầy đủ về dữ liệu cá nhân. Chính vì vậy, việc Quốc hội xem xét ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cấp thiết, nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền con người trong không gian số, thúc đẩy phát triển kinh tế số một cách an toàn, bền vững.

Phát biểu trước Quốc hội, nhiều ĐBQH tán thành việc xử lý phạt vi phạm hành chính từ 1% đến 5% doanh thu đối với tổ chức doanh nghiệp vi phạm quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần có chế tài nghiêm khắc để bảo vệ dữ liệu cá nhân trước những hành vi thu thập, sử dụng trái phép với mục đích trục lợi.

“Tuy nhiên, để quy định này khả thi hơn trong thực tiễn, tôi đề nghị cần bổ sung quy định xử phạt đối với các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp không có doanh thu hoặc doanh nghiệp có doanh thu nhưng không có lợi nhuận. Nếu chỉ căn cứ vào doanh thu của năm liền trước sẽ không bao quát được đầy đủ các tình huống phát sinh trong thực tế”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất.

Về quyền của chủ thể dữ liệu được quy định tại Điều 8 dự thảo, nhiều đại biểu nhất trí cao với các quyền đã được xác lập trong dự thảo Luật, đặc biệt là quyền được biết và quyền đồng ý của chủ thể. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân của mình. Dự thảo chỉ quy định quyền được biết về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân chứ chưa quy định quyền được biết về hoạt động thu thập dữ liệu cá nhân. Việc bổ sung quyền được biết về hoạt động thu thập dữ liệu cá nhân giúp đảm bảo sự minh bạch và cũng là tiền đề để người dân thực hiện quyền đồng ý một cách chủ động và chính xác.

Về quy định nghiêm cấm hành vi mua bán dữ liệu cá nhân, đại biểu Quốc hội đồng tình cao với việc nghiêm cấm các hành vi mua bán dữ liệu cá nhân trái phép. Tuy nhiên, nếu quy định theo hướng cấm tuyệt đối mà không có ngoại lệ hợp lý thì sẽ có những lúc gây khó khăn trong thực thi. Đồng thời, có thể sẽ triệt tiêu một số mô hình kinh doanh số hợp pháp đang phát triển.

Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sửa quy định này theo hướng nghiêm cấm hành vi mua bán, chuyển nhượng dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý rõ ràng của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khác.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết: Từ thực tiễn công tác đấu tranh với hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội dự thảo luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến dữ liệu cá nhân, trong đó các vấn đề được đại biểu quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau đó là quy định cấm mua bán dữ liệu cá nhân.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình lãm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình lãm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Thực tế ở nước ta, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiện nay còn hạn chế, chưa chú ý đến tầm quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng chưa được hiểu đầy đủ, tạo ra những vùng xám trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân.

“Dữ liệu cá nhân với đặc tính là gắn liền với con người, gắn liền với quyền con người, quyền nhân thân, quyền riêng tư, không thể coi là hàng hóa tài sản thông thường mà đây là một loại tài nguyên đặc biệt”, Bộ trưởng Lương Tam Quang nói. Do vậy, người đứng đầu ngành công an yêu cầu khai thác sử dụng phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất, cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin của người khác.

Bộ trưởng Lương Tam Quang cho rằng, đó là giới hạn ranh giới giữa sử dụng và định đoạt, ưu tiên phát triển nhưng phải đi đôi với bảo vệ, thiết lập các quy định, cơ chế quản lý việc sử dụng và khai thác dữ liệu cá nhân không vi phạm các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Thực tế, hiện nay các vụ lừa đảo về chiếm đoạt tài sản với quy mô lớn mà thời gian qua đã triệt phá, yếu tố lộ lọt mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm thực hiện hành vi phạm tội.

Thời gian qua, việc mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa diễn ra với số lượng lớn, bán nhiều lần cho nhiều đối tượng để khai thác, xây dựng các kịch bản lừa đảo và tiếp cận nạn nhân quá dễ dàng. Nhiều tổ chức thiếu quy định, chính sách quản lý chưa chặt chẽ trong phân quyền xử lý dữ liệu cá nhân dẫn đến việc nhân viên lấy thông tin khách hàng để bán cho các đối tượng lừa đảo, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, điện lực, bảo hiểm và vận chuyển, giao hàng.

“Nếu không quy định việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường và có chế tài xử lý nghiêm minh thì thực tiễn sẽ phát sinh rất nhiều những phương thức, thủ đoạn để hình thành chợ đen về dữ liệu cá nhân, gây hậu quả thiệt hại rất lớn và nỗi bất an cho người dân”, Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là một đạo luật nền tảng cho kỷ nguyên số. Việc hoàn thiện luật với các quy định minh bạch, chặt chẽ, khả thi sẽ góp phần bảo vệ quyền riêng tư, củng cố lòng tin của người dân. Đồng thời tạo một môi trường pháp lý lành mạnh để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số.

V.Tôn/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/luat-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-theo-huong-nghiem-cam-mua-ban-chuyen-nhuong-du-lieu-ca-nhan-20250525121221726.htm