Không để khách hàng đủ điều kiện không vay được vốn

Sáng 2-8, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với chủ đề 'Bàn giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng' năm 2023.

Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Nam, khu cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Nam, khu cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Đến cuối tháng 6-2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn Kiên Giang đạt 118.798 tỷ đồng, tăng 14,67% so cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh với dư nợ 93.142 tỷ đồng, chiếm 78,4% tổng dư nợ, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục tăng trưởng khá, trong đó, cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 49,5%, cho vay xuất khẩu chiếm 5,9%.

Tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ; chương trình cho vay hỗ trợ lĩnh vực thủy sản gói 15.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Nam Vinh (đứng) - Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Nam kiến nghị có giải pháp giúp công nhân dễ dàng tiếp cận gói vay mua nhà ở xã hội.

Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 4,15%, thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do cầu tín dụng thấp, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn.

Một số doanh nghiệp cho biết do tổng cầu suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao từ tác động của lạm phát và logistic; các cơ chế, định chế hỗ trợ tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, cá nhân còn thiếu, yếu; bối cảnh thực tế nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách nên chính sách không còn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Ông Lê Sỹ (đứng) - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Kiên Giang thông tin: "Agribank dành 30.000 tỷ đồng để cho vay đối tượng khách hàng là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội".

Có ý kiến cho rằng, ngoài việc tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, các ngành, các cấp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như giảm thuế, giảm phí, lệ phí, tăng cường xúc tiến thương mại… nhằm giúp doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn như hiện nay.

Hầu hết các vấn đề, vướng mắc doanh nghiệp đặt ra tại hội nghị đều được đại diện các ngân hàng, các sở, ngành liên quan trực tiếp giải đáp.

Kết luận hội nghị, ông Lê Đình Khanh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang đề nghị các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh hơn nữa hoạt động cấp tín dụng, triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; không để xảy ra tình trạng khách hàng đủ điều kiện vay vốn, có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhưng không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình, chính sách tín dụng, nhất là cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN; gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, gói 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm, thủy sản, tín dụng thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ông Lê Đình Khanh đề nghị các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt các biện pháp góp phần giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất huy động dưới 6 tháng, kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có phấn đấu giảm lãi suất cho vay; đơn giản hóa thủ tục cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng theo hướng dẫn của hội sở chính, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn.

Tin và ảnh: ĐẶNG LINH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//trong-tinh/khong-de-khach-hang-du-dieu-kien-khong-vay-duoc-von-16001.html