Không để 'lá chắn' thực thi pháp luật rạn nứt trước ma trận hàng giả, kém chất lượng

Trước những vụ việc nghiêm trọng về hàng giả, kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm gần đây, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra trách nhiệm của cơ quan chức năng và yêu cầu siết chặt kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ cũng như vai trò giám sát của cộng đồng để bảo vệ sức khỏe người dân trước 'ma trận' hàng giả.

Sản phẩm mỹ phẩm giả bị Công an tỉnh Bắc Giang thu giữ trong một vụ án sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả. (Ảnh: Bộ Công an)

Sản phẩm mỹ phẩm giả bị Công an tỉnh Bắc Giang thu giữ trong một vụ án sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả. (Ảnh: Bộ Công an)

Không thể chấp nhận “đường hoàng sản xuất hàng giả” mà cơ quan chức năng không hay biết

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét nghiêm túc hai vấn đề cốt lõi trong cuộc đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang lan rộng và ngày càng tinh vi.

Theo bà, đầu tiên cần rà soát lại hệ thống pháp luật để xác định xem liệu có còn kẽ hở pháp lý nào tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng hoạt động, vi phạm hay không.

Thứ hai, đối với những nhóm tội phạm sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tồn tại trong thời gian dài mà không bị xử lý, đại biểu đặt vấn đề về hiệu quả thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đáng chú ý, theo nữ đại biểu, liệu có còn nghiêm minh, đúng quy định hay không khi một số vụ việc cho thấy có sự đồng lõa, tiếp tay từ chính lực lượng có trách nhiệm bảo vệ pháp luật, khiến người dân mất niềm tin vào lực lượng được kỳ vọng là "lá chắn" chống lại tội phạm.

“Trước ma trận hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lực lượng tưởng chừng như là lá chắn bảo vệ người dân cũng chạy theo đồng tiền để vi phạm xảy ra thì người dân không biết còn có thể tin tưởng vào đâu”, đại biểu thẳng thắn chỉ rõ.

Đại biểu Việt Nga cho rằng, đây là thực trạng nhức nhối, không thể xem nhẹ. Bà đề nghị cần nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người thực thi chính sách pháp luật. Đồng thời, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ cũng cần được quan tâm.

Chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ bức xúc trước thực trạng hàng trăm tấn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị phát hiện thời gian qua, nhưng trước đó các cơ quan chức năng lại “không biết”, trong khi việc sản xuất, kinh doanh những mặt hàng này diễn ra ngay tại các khu vực đô thị lớn, thuận lợi về giao thông, có nhà xưởng quy mô lớn, không phải nơi heo hút, khó tiếp cận.

Theo đại biểu, đây là điều vô lý và khó chấp nhận, đặt ra câu hỏi về năng lực quản lý và trách nhiệm thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước có liên quan.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu chỉ rõ, trách nhiệm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, còn trách nhiệm kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái thuộc Bộ Công thương. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc để xảy ra sai phạm ở nhiều địa phương, đặc biệt tại các đô thị lớn, cho thấy sự buông lỏng trong kiểm tra, giám sát, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay, “chống lưng” cho vi phạm.

“Chỉ khi kiểm tra có sự lơ là, được ‘lót tay’, mua chuộc, hoặc có ‘chân trong, chân ngoài’ thì mới kiểm tra không đến nơi, đến chốn”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Hòa cũng đồng tình với chủ trương chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường phối hợp thực hiện công tác hậu kiểm, kiểm tra chất lượng sản phẩm giữa các cơ quan chức năng.

Đại biểu kiến nghị xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, đặc biệt là các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng cần truy cứu trách nhiệm hình sự, áp dụng mức phạt cao nhất.

Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của cán bộ lơ là, tiếp tay, bao che cho vi phạm: trường hợp nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm hình sự, nhẹ hơn thì xử lý hành chính, buộc thôi việc.

Ông Hòa cũng đề nghị các Bộ Y tế, Công thương phát huy hơn nữa trách nhiệm trong vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng cường kiểm tra đột xuất, thay vì thông báo trước; cùng với đó, cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương và cấp bộ.

Kiểm soát an toàn thực phẩm phải là trách nhiệm xuyên suốt

Đại biểu Trần Văn Thức (Thanh Hóa). (Ảnh: Media Quốc hội)

Đại biểu Trần Văn Thức (Thanh Hóa). (Ảnh: Media Quốc hội)

Liên quan quản lý nhà nước trong công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, đại biểu Trần Văn Thức (Thanh Hóa) nhấn mạnh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và là trách nhiệm xuyên suốt của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ông Thức, thực tế tại nhiều quốc gia phát triển cho thấy, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm được thực hiện chặt chẽ, bài bản từ khâu cấp phép, kiểm định, quảng bá đến thanh tra, giám sát. Tuy nhiên, ở nước ta, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng kết quả đạt được còn chưa như mong muốn so yêu cầu đặt ra.

Đại biểu chỉ rõ, nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhận thức về an toàn thực phẩm của một bộ phận người dân và cơ quan chức năng còn hạn chế; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị quản lý nhà nước; tâm lý hám lợi, vô cảm của một số cá nhân, tổ chức trong sản xuất, kinh doanh, tiếp tay cho thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

“Nếu không có giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới thì thực trạng này vẫn tiếp diễn và ngày càng tinh vi, phức tạp, để lại hậu quả khôn lường”, ông Thức nêu quan điểm.

Từ đó, đại biểu đề xuất các nhóm giải pháp trọng tâm để tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm. Theo đó, phải xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, chủ yếu thuộc các ngành y tế, công thương, nông nghiệp và môi trường. Cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tránh chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, khuyến khích người tiêu dùng “nói không” với sản phẩm không an toàn; siết chặt công tác cấp phép, tăng cường kiểm tra, giám sát, có cơ chế lưu mẫu.

Cùng với đó, phải xử lý nghiêm minh mọi hành vi tiêu cực trong an toàn thực phẩm, xử phạt từ cán bộ quản lý buông lỏng trách nhiệm đến các cá nhân, doanh nghiệp cố tình sản xuất, đưa sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm ra thị trường tiêu thụ...

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khong-de-la-chan-thuc-thi-phap-luat-ran-nut-truoc-ma-tran-hang-gia-kem-chat-luong-post882173.html