Không để người có công phải sống trong nghèo khó

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công (NCC) và xã hội năm 2021 được tổ chức vào ngày 11/1 tại Hà Nội với 63 điểm cầu địa phương trên toàn quốc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết: Năm 2020 cả nước tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch; giải quyết việc làm khoảng 1,3 triệu người, đạt 84% kế hoạch đề ra. Có khoảng 16 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 33% lực lượng lao động trong độ tuổi (tham gia BHXH bắt buộc khoảng 15 triệu người). Đặc biệt, chính sách ưu đãi NCC với cách mạng được thực hiện tốt, đời sống NCC và thân nhân được nâng cao. Đến nay 99,7% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; giải quyết dứt điểm, không còn hộ NCC thuộc diện hộ nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh, từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% cuối năm 2020. Bên cạnh đó, bình đẳng giới được thực hiện có hiệu quả, khoảng cách giới trên tất cả các lĩnh vực được thu hẹp; địa vị của phụ nữ được cải thiện trong tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm cả về chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy, nguồn lực.

Triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Chính phủ, các địa phương hỗ trợ người lao động ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 với số tiền 31.500 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chi trực tiếp 12.900 tỉ đồng cho trên 13 triệu người dân, qua đó góp phần ổn định đời sống người dân.

Năm 2021, cả nước phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%. Trong đó, người lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ 3 tháng trở lên đạt 25,5%; giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%; ổn định thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu COVID. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống NCC với cách mạng, nhất là sau khi Pháp lệnh Ưu đãi NCC được sửa đổi và có hiệu lực thi hành; quan tâm, hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội; bảo vệ và kiên quyết xử lý các hành vi ngược đãi, xâm hại trẻ em và phụ nữ.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu ngành LĐ-TB-XH tiếp tục tham mưu Chính phủ những chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách công nhận hồ sơ cho NCC. Các bộ, ngành phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội để những đối tượng yếu thế trên mọi miền đất nước được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; rà soát lại chế độ, chính sách để không bỏ sót đối tượng, không để NCC phải sống trong nghèo khó.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/251073/khong-de-nguoi-co-cong-phai-song-trong-ngheo-kho.html