Không để người dân thiệt thòi khi chính quyền thu hồi mặt bằng đầu tư dự án

Sáng 27/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn thị sát 2 công trình lớn nằm trên địa bàn huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh gồm Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng thuộc Dự án cải thiện môi trường nước (xã Bình Hưng) và Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe chủ đầu tư báo cáo về Dự án Xây dựng và mở rộng Quốc lộ 50, có điểm kết nối vào tuyến đường Cao tốc Bến Lức-Long Thành đang xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe chủ đầu tư báo cáo về Dự án Xây dựng và mở rộng Quốc lộ 50, có điểm kết nối vào tuyến đường Cao tốc Bến Lức-Long Thành đang xây dựng.

Tham dự buổi thị sát có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.

Thủ tướng nhận định, đây là những công trình phục vụ dân sinh, góp phần cải thiện hạ tầng đô thị, môi trường của Thành phố cho nên chủ đầu tư, đơn vị thi công bảo đảm tiến độ dự án, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng phải thực hiện đúng luật định, không để người dân thiệt thòi.

Tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh) phấn đấu hoàn thành giai đoạn 2 của dự án vào tháng 4/2023, nâng công suất hiện hữu từ 141.000m3/ ngày, đêm (giai đoạn 1) lên 469.000m3/ngày, đêm (giai đoạn 2) như cam kết; đồng thời sớm trình Chính phủ thông qua chủ trương thực hiện giai đoạn 3 do chủ đầu tư phối hợp thực hiện cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Đối với dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, Thủ tướng yêu cầu Thành phố, chủ đầu tư và địa phương hết sức quan tâm, chú trọng việc bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi bởi dự án. Nếu người dân lựa chọn nhận tiền thì đó là cách lựa chọn thuận tiện. Trường hợp người bị thu hồi đất muốn nhận nền tái định cư thì chính quyền phải chuẩn bị quỹ nền với đầy đủ các điều kiện về hạ tầng giao thông, viễn thông, y tế, giáo dục, làm sao không “đẩy” dân đi khi chưa có đầy đủ các điều kiện cơ bản này…

Thủ tướng cũng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh phải bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, tranh thủ vừa thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng vừa triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, đưa dự án về đích đúng tiến độ theo quy định.

Báo cáo tiến độ 2 dự án trên, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đầu tư 2 dự án này cho biết: Gói thầu J “Mở rộng nhà máy xử lý nước thải” (Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng) thuộc Dự án cải thiện môi trường nước, giai đoạn 2 được mở rộng và nâng công suất hiện hữu từ 141.000m3/ ngày, đêm (giai đoạn 1) lên 469.000m3/ ngày, đêm nhằm thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường nước thải sinh hoạt của người dân trên địa bàn các quận: 4, 5, 6, 8, 10 và 11 (diện tích lưu vực 2.150ha, tổng số dân khoảng 2 triệu người), giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ. Toàn bộ gói thầu đến nay đạt 98%, dự kiến hoàn thành ngày 30/4/2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra thực tế tại công trình Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra thực tế tại công trình Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Đối với dự án Xây dựng và mở rộng Quốc lộ 50 (tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng), trong đó hơn 686 tỷ đồng vốn trung ương và 812 tỷ đồng vốn thành phố, chủ đầu tư đánh giá đây là dự án quan trọng để giải quyết hạn chế về ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông nên dự án sẽ sớm khởi công một số hạng mục trong tháng 12/2022. Dự án có điểm đầu tuyến giao với đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối tuyến giáp tỉnh Long An, tổng chiều dài khoảng 6,92km. Công trình có mặt cắt ngang 34 m, gồm 6 làn xe.

Tháng 6/2021, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua chủ trương đầu tư dự án này tại Nghị quyết số 29.

Báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố cho biết: đến thời điểm này Thành phố đã giải ngân được 500/2.500 tỷ đồng vốn đầu tư công dành cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng của các công trình trọng điểm. Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp do vướng công tác đền bù giải tỏa, hiện thành phố đang tháo gỡ vướng mắc để trong tháng 12 này giải ngân hết 2.000 tỷ đồng còn lại.

Chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và nghe báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2022.

Tin, ảnh: QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khong-de-nguoi-dan-thiet-thoi-khi-chinh-quyen-thu-hoi-mat-bang-dau-tu-du-an-post727105.html