Không để phiền hà người dân khi sắp xếp đơn vị hành chính tại TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị khi sắp xếp đơn vị hành chính cần phải lắng nghe và xử lý vướng mắc phát sinh, nhất là thủ tục hành chính, mở kênh tương tác, lắng nghe phản ánh của người dân để chuyển đối các loại giấy tờ, thủ tục có liên quan, không để phiền hà đến người dân

Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2030 diễn ra chiều 20/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị “Nguyên tắc là sắp xếp xong phải tốt hơn, ổn hơn… phải lắng nghe phản ánh của người dân để chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục có liên quan, không để phiền hà đến người dân”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Đây là công việc không mới nhưng luôn nhạy cảm, phức tạp, tác động đến các cơ quan, tổ chức; đồng thời ảnh hưởng đến tư tưởng tâm lý đối sống sinh hoạt của người dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận (ảnh T.T)

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận (ảnh T.T)

Ngoài ra, việc sắp xếp diễn ra trong thời điểm thành phố (TP) phải triển khai nhiều việc quan trọng như chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và một số sự kiện lớn khác…

Do đó, trong thời gian tới, TP cần tiếp tục truyền thông rộng và sâu cho các đối tượng có liên quan đến việc điều chỉnh. Khi tiến hành sắp xếp, cần hạn chế tối đa những phát sinh ảnh hưởng đến đời sống người dân và tâm tư của đội ngũ cán bộ. Nguyên tắc sắp xếp xong phải tốt hơn, ổn hơn… Quan trọng là phân cấp để xử lý các vấn đề phát sinh, không để lãng phí và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Nên, cần phải có chính sách cho cán bộ dôi dư, không để cho những người này mất quyền lợi, đảm bảo cho họ yên tâm dù làm tiếp hay không. Ngoài ra, cần bố trí sắp xếp tài sản, trụ sở ở các đơn vị hành chính, tránh lãng phí và phải có chủ trương rõ ràng. Chủ động nghiên cứu để có quy định riêng cho TP, phân cấp, ủy quyền chặt chẽ, không để sau sắp xếp lại phát sinh vấn đề khác.

Quang cảnh phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.HCM (ảnh T.T)

Quang cảnh phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.HCM (ảnh T.T)

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị cần phải lắng nghe và xử lý vướng mắc phát sinh, nhất là thủ tục hành chính, mở kênh tương tác, lắng nghe phản ánh của người dân để chuyển đối các loại giấy tờ, thủ tục có liên quan, không để phiền hà đến người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, tại 80 phường phải sắp xếp có 2.469 cán bộ cần bố trí lại. UBND TP đã có phương án sử dụng 1.741 người sau sắp xếp, còn dôi dư 728 người phải sắp xếp. TP sẽ sắp xếp theo lộ trình giảm dần chứ không giảm ngay. Trường hợp cán bộ dôi dư có thể sắp xếp công việc ở vị trí khác thì TP sẽ tính toán, bố trí phù hợp ở địa phương hay cấp trên như sở, ngành TP...

Ông Võ Văn Hoan cho biết, TP sẽ có hướng dẫn xử lý chuyển tiếp những trường hợp người dân và doanh nghiệp điều chỉnh hồ sơ; trong đó sẽ có loại cơ quan nhà nước tự điều chỉnh chứ không bắt người dân phải đi chuyển đổi. TP cũng sẽ không thu phí việc chuyển đổi giấy tờ, cố gắng ít bị xáo trộn nhất và ít tác động đến đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khong-de-phien-ha-nguoi-dan-khi-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-tai-tphcm-post1115677.vov