Không để tái diễn việc xâm hại bảo vật quốc gia
Liên quan việc bảo vật quốc gia 'Ngai vua triều Nguyễn' bị xâm hại, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Huế xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan
Chiếc "Ngai vua triều Nguyễn" phục chế theo tỉ lệ 1:1 đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đưa đến trưng bày tại điện Thái Hòa - Đại nội Huế để phục vụ du khách tham quan sau sự việc chiếc ngai thật bị xâm hại, gây hư hỏng.
Chiếc ngai bị hỏng là nguyên bản
Đối tượng có hành vi phá hoại "Ngai vua triều Nguyễn" - Bảo vật quốc gia được công nhận vào đợt 4 năm 2015 - vẫn đang bị Cơ quan CSĐT Công an TP Huế tạm giữ hình sự để làm rõ hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản". Đối tượng này là Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983; quê TP Huế; hiện trú tại quận Bình Tân, TP HCM) có biểu hiện "loạn thần", đang được cơ quan chức năng tiến hành giám định tâm thần để phục vụ điều tra.
Vào lúc 11 giờ 55 phút ngày 24-5, Tâm mua vé vào cổng của Đại nội Huế rồi vào khu vực điện Thái Hòa, nơi đặt "Ngai vua triều Nguyễn". Tại đây, Tâm leo qua hàng rào bảo vệ trong điện rồi ngồi lên ngai. Đối tượng dùng tay bẻ gãy phần tựa tay bên trái của ngai vua và đập phá làm phần tựa tay gãy ra thành nhiều mảnh.

Chiếc ngai phục chế đã được đưa đến thay thế “Ngai vua triều Nguyễn” để phục vụ du khách tham quan
"Ngai vua triều Nguyễn" bị làm hỏng có niên đại 1802-1945. Đây là chiếc ngai được chế tác dưới thời vua Gia Long (1802-1819), sau đó được sử dụng trong suốt 143 năm tồn tại của vương triều này, kéo dài qua 13 đời vua, kết thúc là vua Bảo Đại - thoái vị năm 1945.
Theo hồ sơ, chiếc ngai làm bằng gỗ nặng khoảng 60 kg, gồm 2 phần là ngai vàng và đế ngai; phía trên có bửu tán. Kích thước ngai dài 87 cm, rộng 72 cm, cao 101 cm. Phần đế dài 118 cm, rộng 90 cm, cao 20 cm.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, cho biết đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đưa "Ngai vua triều Nguyễn" về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật.
Trung tâm sẽ thành lập hội đồng chuyên môn đánh giá hiện trạng, xây dựng phương án bảo quản, xử lý, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa; đồng thời có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện để bảo đảm an toàn cho hệ thống hiện vật trưng bày.
Trong sáng 26-5, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế, đã đi kiểm tra công tác bảo vệ di tích và các hiện vật, các điểm thuộc Quần thể di tích cố đô Huế.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế, địa phương này có 14 hiện vật/nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó có 2 nhóm hiện vật do Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế quản lý, bảo vệ. Cụ thể, tại thời chúa Nguyễn hiện có 3 hiện vật/nhóm hiện vật là bộ vạc đồng thời chúa Nguyễn; đại hồng chung chùa Thiên Mụ và bia Ngự kiến Thiên Mụ tự.
Phải bít lỗ hổng bảo vệ hiện vật
Tại buổi kiểm tra, ông Bình khẳng định "Ngai vua triều Nguyễn" bị đập phá hư hại là một sự việc đáng tiếc và gây hậu quả rất nghiêm trọng. UBND TP Huế đã có báo cáo Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về vụ việc này. Đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan nhanh chóng đưa ra giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác bảo quản các hiện vật quý, bảo vật quốc gia trên địa bàn.
Ông Bình cho biết Huế sẽ đánh giá lại toàn bộ sự việc và yêu cầu tiến hành rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan. Đặc biệt là phải đưa ra bài học kinh nghiệm, xây dựng các phương án để bảo vệ tốt hơn hiện vật cụ thể cũng như tổng thể di tích, di sản đang hiện hữu ở TP Huế.

Du khách tham quan khu vực điện Thái Hòa vào sáng 26-5. (Ảnh: QUANG NHẬT)
"Chúng tôi đã giao trách nhiệm cho Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tiến hành xây dựng các phương án để bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật đối với các di tích, di sản, đặc biệt là các hiện vật cấp quốc gia. Trong đó có việc tăng cường ứng dụng công nghệ để gìn giữ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các di tích, hiện vật" - ông Bình nhấn mạnh.
Ông Hoàng Việt Trung cho biết thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã có nhiều giải pháp bảo đảm an ninh trong khu di sản như tăng cường lắp đặt camera giám sát, xây dựng quy chế phân công trực bảo vệ, có bộ phận cơ động thường xuyên kiểm tra các địa bàn di tích... nhưng vẫn xảy ra sự cố đáng tiếc.
"Để phòng tránh sự việc tương tự, chúng tôi sẽ xây dựng phương án bảo đảm chặt chẽ an ninh, an toàn trong khu di sản nói chung và đối với hiện vật, cổ vật... đặc biệt là bảo vật quốc gia" - ông Trung chia sẻ.
Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 4623/VPCP-KGVX ngày 25-5-2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính xử lý thông tin phản ánh về bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn". Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Huế khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn", đề xuất giải pháp bảo quản, phục hồi theo quy định của pháp luật.
Tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan, không để xảy ra trường hợp tương tự; gửi báo cáo về Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-6-2025.
Đồng thời chỉ đạo rà soát tổng thể, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ an ninh, an toàn Di tích cố đô Huế và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc Di tích cố đô Huế cũng như công tác quản lý di tích trên địa bàn. Chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, phát hiện từ sớm và sẵn sàng ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại, phá hoại. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng.
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá công tác trưng bày, bảo quản, bảo vệ và các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn các bảo vật quốc gia trên toàn quốc; kịp thời tăng cường biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn các bảo vật quốc gia đã được công nhận và hiện vật, cổ vật có giá trị tại các di tích, danh lam thắng cảnh theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 15-6-2025.
Trong quá khứ, tại TP Huế có nhiều vụ xâm hại di tích với những vụ án đào mộ vua, chúa nhà Nguyễn để tìm vàng bạc, châu báu. Đặc biệt vào năm 1990, nhiều lăng mộ như lăng bà Tống Thị Lãnh, mẹ chúa Nguyễn Phúc Chu; lăng bà Tống Thị Đôi, mẹ chúa Nguyễn Phúc Thái; lăng Vĩnh Thái của bà Trương Thị Dung (vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát); lăng của Định Viễn quận vương, em trai Thánh tổ Minh Mạng... đã bị đào trộm.
Mới đây, rạng sáng 8-1, lăng Trường Thái - nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) ở phường Long Hồ, quận Phú Xuân, phát hiện có dấu hiệu mộ bị đào bới sâu bên dưới. Kẻ gian đã dùng lá khô che lại khu vực đào xới và nhân viên bảo vệ di tích trong lúc quét dọn mới phát hiện. Tại hiện trường còn vương vãi lớp đất đá do việc đào mộ để lại. Lỗ đào mộ dù đã lấp lại nhưng vẫn còn rất mới.
Bảo vật quốc gia được bảo vệ như thế nào?
Theo quy định hiện hành, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được bảo vệ, bảo quản nghiêm ngặt. Bảo đảm đầy đủ điều kiện về nhân lực, thiết bị kỹ thuật, công nghệ để kiểm soát môi trường bảo quản, ứng phó thiên tai, phòng chống cháy nổ, trộm cắp và nguy cơ khác có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của bảo vật quốc gia.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sở hữu bảo vật quốc gia phải xây dựng và triển khai phương án bảo vệ đặc biệt, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bảo vật quốc gia. Kho bảo quản, phòng trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải bảo đảm có thiết bị kỹ thuật, công nghệ phù hợp với yêu cầu bảo quản đối với từng loại hình, chất liệu của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được lưu giữ.
Có thiết bị kỹ thuật, công nghệ để bảo đảm an toàn cho người trực tiếp làm việc trong kho bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong bảo tàng công lập, di tích và cơ quan, tổ chức của nhà nước có chức năng, nhiệm vụ phù hợp và không được kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho, thực hiện hình thức chuyển quyền sở hữu khác hoặc để thực hiện biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự.
Khi chuyển quyền sở hữu bảo vật quốc gia, tổ chức, cá nhân sở hữu bảo vật quốc gia phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh nơi đã đăng ký di vật, cổ vật về chủ sở hữu mới.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khong-de-tai-dien-viec-xam-hai-bao-vat-quoc-gia-196250526211429239.htm