Không để thiếu tư vấn thành 'điểm nghẽn' quy hoạch

Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh trên cơ sở quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 đang đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương, trong đó có Hà Nội. Theo tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cơ quan chủ trì đang gặp không ít khó khăn trong lựa chọn đơn vị tư vấn quy hoạch. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ, không để thiếu tư vấn thành 'điểm nghẽn' trong lập quy hoạch.

Để giải quyết “điểm nghẽn” trong lựa chọn đơn vị tư vấn cần có cơ chế linh hoạt, cụ thể hơn phương án hợp tác quốc tế trong tư vấn lập quy hoạch. Ảnh: Nhật Nam

Để giải quyết “điểm nghẽn” trong lựa chọn đơn vị tư vấn cần có cơ chế linh hoạt, cụ thể hơn phương án hợp tác quốc tế trong tư vấn lập quy hoạch. Ảnh: Nhật Nam

Nhận diện khó khăn

Để phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn, công tác quy hoạch ở nước ta luôn có sự đổi mới, nhất là về hệ thống quy hoạch và được thể chế hóa trong văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, năm 2017, Luật Quy hoạch ra đời đã đánh dấu sự đổi mới về công tác quy hoạch. Tuy nhiên, qua gần 5 năm thực hiện, bên cạnh kết quả đạt được nhiều tồn tại cũng đã bộc lộ. Trong đó, quy hoạch tỉnh là loại hình đang chịu nhiều áp lực từ Luật Quy hoạch với nhiều “điểm nghẽn” cần nhận diện, tháo gỡ.

Cụ thể, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050 các tỉnh, thành phố đều lập theo phương pháp tích hợp với nội dung cơ bản là thống nhất một đồ án quy hoạch trên địa bàn, thay thế cho các loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trước đây. Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, ngoài khó khăn trong xác định phương pháp lập quy hoạch, việc lựa chọn tư vấn, lựa chọn nhân lực thực hiện với yêu cầu mới cũng đang gặp nhiều vướng mắc.

Thực tiễn cho thấy, yêu cầu với nhà thầu tư vấn lập quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác theo quy định của Luật Đấu thầu rất cao. Trong khi đó, số lượng đơn vị tư vấn, lực lượng chuyên gia đáp ứng được yêu cầu không nhiều, cộng với việc chưa có các quy định cụ thể về điều kiện năng lực, tiêu chí, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn phù hợp với từng loại quy hoạch, dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong lựa chọn tư vấn lập quy hoạch. Bên cạnh đó, việc đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện trong khi không phải lúc nào các địa phương cũng lựa chọn được tư vấn có năng lực thực sự.

Cần cơ chế linh hoạt trong lựa chọn đơn vị tư vấn

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trong nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, 19 nội dung mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt có liên quan đến nhiều ngành. “Như vậy, mỗi ngành sẽ chiếm một hợp phần nhất định. Nhiệm vụ tìm ra đơn vị có năng lực tích hợp các kiến thức để đứng ra liên kết toàn bộ chuyên ngành này là bài toán khó. Nếu chọn tư vấn không đáp ứng yêu cầu, không có khả năng, quy hoạch chắc chắn phải sửa đi sửa lại nhiều lần”, ông Đào Ngọc Nghiêm nêu.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy chia sẻ, đặc thù tại Hà Nội là việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai song song với việc nghiên cứu lập đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, việc lập đồng thời nhiều quy hoạch có nội dung đa ngành trong cùng một bản quy hoạch theo phương pháp mới và cùng một thời điểm với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng gây khó khăn cho tuyển chọn tư vấn và thẩm định. Trong khi đó, số lượng, chất lượng các tổ chức tư vấn còn hạn chế. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện song hành các nhiệm vụ còn bị ảnh hưởng bởi các chuyên gia có trình độ chuyên môn để tham gia xây dựng quy hoạch và hội đồng thẩm định còn thiếu; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lập quy hoạch cũng chưa đầy đủ.

Để giải quyết “điểm nghẽn” trong lựa chọn đơn vị tư vấn, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cần có cơ chế linh hoạt trong lựa chọn và cần cụ thể hơn phương án hợp tác quốc tế trong tư vấn lập quy hoạch. Một yếu tố quan trọng nữa là trong cơ cấu hội đồng thẩm định không chỉ có cơ quan quản lý chuyên ngành mà còn phải có đại diện tổ chức xã hội nghề nghiệp và đại diện nhân dân.

Một số chuyên gia khác cũng kiến nghị, để việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đạt được hiệu quả, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các quy định về điều kiện năng lực, tiêu chí, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn và công khai danh mục năng lực các tổ chức tư vấn lập quy hoạch để các địa phương có căn cứ lựa chọn. Cùng với đó, cần ban hành đầy đủ các định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá đối với từng loại quy hoạch làm cơ sở cho việc lập và quản lý chi phí lập quy hoạch.

Trong bối cảnh nước ta đang rất thiếu các đơn vị tư vấn đủ khả năng đối với một số quy hoạch then chốt, quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng hoặc một số đô thị lớn thì Chính phủ cần có cơ chế riêng để tạo điều kiện thuận lợi nhất về cách thức lựa chọn và nguồn kinh phí để thuê các tư vấn thực sự chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1059385/khong-de-thieu-tu-van-thanh-diem-nghen-quy-hoach