Không để xảy ra 'điểm nóng' về buôn lậu trên biên giới
Đó là khẳng định của Đại tá Trần Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng BĐBP An Giang khi trao đổi với phóng viên Báo Biên phòng về tình hình đấu tranh phòng chống buôn bán, vận chuyển hàng lậu qua biên giới của BĐBP An Giang dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
- Thưa đồng chí, thường thì cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới lại nổi lên. Thực trạng tuyến biên giới An Giang hiện nay ra sao?
- Tỉnh An Giang có đường biên giới dài trên 98km, tiếp giáp với 2 tỉnh Kandal và Takeo, Vương quốc Campuchia, trong đó có khoảng 13km biên giới trên sông. Trong khu vực biên giới tỉnh An Giang có 18 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố. Địa hình đồng bằng có nhiều kênh, sông, rạch, đường mòn, đường tắt thông qua biên giới. Vào mùa nước nổi, trên biên giới mênh mông đồng nước, rất thuận lợi cho hoạt động buôn lậu và các loại đối tượng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý địa bàn. Nhân dân cư trú hai bên biên giới có mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời, thường xuyên qua lại làm ăn, buôn bán, thăm thân...
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM), vận chuyển hàng cấm qua biên giới; xuất, nhập cảnh trái phép; mua bán, vận chuyển tiền, vàng; ma túy và các loại tội phạm khác trên khu vực biên giới tỉnh An Giang hoạt động ngày càng tinh vi và luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Các đối tượng lợi dụng đặc điểm điều kiện, địa hình tự nhiên trên biên giới để hoạt động. Hàng lậu chủ yếu là thuốc lá điếu, đường cát, hàng mỹ phẩm, vàng, ngoại tệ, hàng tạp hóa... từ phía bên kia biên giới vào Việt Nam. Hiện nay, phía ngoại biên có 25 kho hàng đang hoạt động và nội biên có 29 kho hàng bến bãi nghi vấn liên quan đến buôn lậu, GLTM. Ngoài ra, giá cả một số mặt hàng vẫn còn chênh lệch cao giữa trong và ngoài nước, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở trong nội địa cao, lợi nhuận đem lại lớn nên các đối tượng tăng cường vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
- Để qua mặt lực lượng chức năng, những thủ đoạn nào đối tượng hay sử dụng?
- Các đối tượng thường lợi dụng đường mòn, sông, kênh, rạch để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Các mặt hàng nhập lậu được tập kết tại các kho, điểm chứa hàng sát biên giới. Vào mùa mưa (mùa nước nổi), các đối tượng dùng xuồng, vỏ lãi để vận chuyển. Mùa khô, chúng thuê người đai vác, hoặc dùng xe máy, xe đạp để đưa hàng lậu qua biên giới. Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng cử người canh coi lực lượng làm nhiệm vụ và sẵn sàng chống trả để cướp, giật lại hàng hóa hoặc sẵn sàng vứt bỏ hàng hóa để chạy thoát thân về bên kia biên giới. Đa số các đối tượng đai vác, vận chuyển không có công việc làm ổn định, là người địa phương, thông thạo địa hình. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của một số người dân ở khu vực biên giới còn hạn chế, chưa tự giác tham gia tấn công, tố giác tội phạm, dễ bị các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
- Đề nghị đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật về công tác phòng chống buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép và đấu tranh với các loại tội phạm của BĐBP An Giang trong năm 2024?
- Trong năm 2024, BĐBP An Giang luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, nhất là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP; Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh An Giang và Ban Chỉ đạo 389, 1389 các cấp. Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang đã chủ động đề ra các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh với các loại tội phạm. Do vậy, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới An Giang đã giảm nhiều so với trước kia.
Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, BĐBP An Giang đã độc lập bắt, phối hợp bắt giữ, xử lý 110 vụ/106 đối tượng. Tang vật, phương tiện thu giữ gồm: Hơn 1,2kg vàng, gần 45.000 bao thuốc lá ngoại các loại, 4.550kg đường cát và nhiều tang vật, phương tiện khác. Tổng trị giá hàng hóa, tang vật ước tính khoảng 21,2 tỷ đồng. Cùng với đó là bắt, xử lý 88 vụ/158 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép. Gần đây nhất là đấu tranh thành công Chuyên án AG1024p, bắt giữ 2 đối tượng, thu giữ 115kg pháo nổ.
- BĐBP An Giang có kế hoạch, biện pháp gì nhằm ngăn chặn, kéo giảm tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu và các hoạt động tội phạm trên biên giới dịp cuối năm?
- Để không ngừng nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, buôn lậu, GLTM trên khu vực biên giới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang đã tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, hướng dẫn của trên về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện công tác đấu tranh, với phương châm “Chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công, trấn áp tội phạm”, không để xảy ra “điểm nóng” về tội phạm trên khu vực biên giới do đơn vị quản lý. Thực hiện có hiệu quả các kế hoạch đã triển khai, như: Kế hoạch công tác Biên phòng; trinh sát; phòng, chống ma túy và tội phạm năm 2024. Xây dựng và thực hiện các kế hoạch nghiệp vụ cao điểm về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tổ chức quán triệt, triển khai đến các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện.
Cùng với đó, làm tốt công tác nắm chắc tình hình địa bàn, duy trì các hoạt động tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, mật phục trên biên giới, cửa khẩu, phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới. Tăng cường phối hợp với các lực lượng, ban, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân trên khu vực biên giới, vận động mọi người, mọi gia đình không tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động của tội phạm. Mặt khác, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin, tình hình có liên quan đến hoạt động các loại tội phạm ở hai bên biên giới với lực lượng chức năng Campuchia, chung tay xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và cùng phát triển.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Yến Ngọc (thực hiện)