Không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong việc triển khai học bạ số

Liên quan đến việc triển khai học bạ số, chữ ký số, Bộ GD-ĐT yêu cầu không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong quá trình triển khai thực hiện các dịch vụ có liên quan đến chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

Bộ GD-ĐT yêu cầu cần thận trọng trong triển khai học bạ số không để có kẽ hở về mặt pháp lý, không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm

Bộ GD-ĐT yêu cầu cần thận trọng trong triển khai học bạ số không để có kẽ hở về mặt pháp lý, không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm

Bộ GD-ĐT vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và triển khai thực hiện thí điểm Học bạ số.

Trong đó, ngành Giáo dục được giao nhiệm vụ triển khai thí điểm Học bạ số. Bộ GD-ĐT đã ban hành Kế hoạch số 213/KH-BGDĐT về việc triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học và nhiều văn bản quy định về thẩm quyền trách nhiệm, mô hình quản lý, đặc tả kỹ thuật về Học bạ số để chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện theo thẩm quyền.

Qua quá trình kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại địa phương cho thấy, hầu hết các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch, các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về Học bạ số theo thẩm quyền trách nhiệm và bước đầu phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn có địa phương chưa triển khai kịp thời các nhiệm vụ theo thẩm quyền trách nhiệm. Theo đó, Bộ đề nghị Sở GD-ĐT chủ trì phối hợp các đơn vị chức năng xây dựng phương án triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Quá trình triển khai cần thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp quản lý; qua thí điểm, cần hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp, đúng thẩm quyền; không để có kẽ hở về mặt pháp lý, không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong quá trình triển khai thực hiện các dịch vụ có liên quan đến chuyển đổi số trong ngành giáo dục và Học bạ số, đặc biệt liên quan đến phần mềm quản lý nhà trường, phần mềm quản lý trung tâm, chữ ký số, đầu tư hạ tầng thiết bị…

Thực hiện đánh giá kết quả triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học tại địa phương, đánh giá tác động đến các đối tượng liên quan, công tác quản lý, sử dụng Học bạ số; kinh phí cho duy trì, vận hành hệ thống Học bạ số khi triển khai diện rộng vào thời gian tiếp theo.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn kinh phí, để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khong-de-xay-ra-tinh-trang-loi-ich-nhom-trong-viec-trien-khai-hoc-ba-so-post579473.antd