Dưới thời Tam quốc, Chu Du và Gia Cát Lượng là những quân sư nổi tiếng, lắm mưu nhiều kế, giỏi thao lược và có tài ăn nói sắc sảo. Trong khi Chu Du tận trung với nhà Đông Ngô thì Gia Cát Lượng hết mức trung thành với nhà Thục Hán.
Theo đó, Chu Du và Gia Cát Lượng trở thành kỳ phùng địch thủ, thường xuyên có những cuộc so tài, đấu trí với nhau. Trong đó, trận Xích Bích diễn ra năm 208 được nhiều người biết đến.
Tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa" mô tả Chu Du và Gia Cát Lượng đã có cuộc đối đầu "nảy lửa" trong trận Xích Bích. Vị quân sư của nhà Đông Ngô đã dùng nhiều mưu kế nhằm đánh bại Khổng Minh nhưng thất bại.
Không những vậy, Gia Cát Lượng còn chọc tức Chu Du đến mức quân sư của nhà Đông Ngô tức đến mức nôn ra máu và tha rằng: "Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng!?".
Sau đó, Chu Du ngất đi. Không lâu sau, ông qua đời, hưởng thọ 36 tuổi. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng, Gia Cát Lượng đã dùng kế hại chết đối thủ mà không hay biết thực tế là Chu Du tử vong vì bạo bệnh.
Sau khi biết tin Chu Du chết, Gia Cát Lượng quyết định sang Giang Đông để viếng kỳ phùng địch thủ của mình. Mặc dù biết bản thân bị người Đông Ngô căm hận nhưng Khổng Minh vẫn nhất quyết tham dự lễ tang và còn tự lời vịnh một bài điếu tang đầy tình cảm.
Lý do Gia Cát Lượng nhất quyết đến viếng Chu Du được La Quán Trung đề cập đến trong tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa". Theo nhà văn này, Khổng Minh xem thiên văn vào buổi tối thấy một ngôi sao tướng tinh rơi xuống và nói rằng: "Chu Du chết rồi!".
Sáng hôm sau, Lưu Bị cho người đi do thám và xác nhận tin Chu Du chết. Ông nói chuyện này với Gia Cát Lượng và hỏi Đông Ngô bây giờ sẽ ra sao. Khổng Minh trả lời rằng, người thay thế Chu Du có lẽ là Lỗ Túc. Khi xem thiên văn, ông thấy tướng tinh tụ ở phương Đông. Vì vậy, Khổng Minh xin phép Lưu Bị đi Giang Nam một chuyến và mượn cớ viếng tang Chu Du để tìm hiền sĩ về giúp quân chủ nhà Thục Hán.
Mọi chuyện diễn ra đúng như kế hoạch của Gia Cát Lượng. Sau khi đến viếng tang Chu Du, ông bí mật gặp Bàng Thống và đưa cho phong thư với nội dung Thục Hán sẵn sàng đón nhận ông nếu như không muốn ở Đông Ngô nữa.
Một thời gian sau, Bàng Thống rời Giang Đông để sang làm việc cho Lưu Bị. Kế hoạch của Gia Cát Lượng thành công khi giúp chủ nhân có được một nhân tài lớn. Trong khi đó, Tôn Quyền mất đi một hiền tài vào tay địch thủ.
Mời độc giả xem video: Kinh hoàng bão cát khổng lồ tại Trung Quốc. Nguồn: THDT.
Tâm Anh (TH)