Không đủ tiền chữa trị, cô giáo mầm non cầu cứu giúp cho con được ghép tủy
Vay mượn mọi nơi, bán nhà, cắm giấy tờ có giá trị nhưng vợ chồng họ vẫn không kiếm đủ số tiền để con có thể ghép tủy...
"Bệnh thiếu máu của cháu Vũ cần tối thiểu 1 tỷ rưỡi để thực hiện ca phẫu thuật, nếu như sức khỏe cháu ổn định mà ca phẫu thuật thành công. Còn nếu như cháu có nhiều biến chứng xảy ra chi phí phải trên 2 tỷ. Bây giờ không biết xoay xở thế nào để có tiền cứu cháu?".
Đó là lời tâm sự của chị Hà Thị Lượng (SN 1985) quê ở thành phố Lạng Sơn có con trai là Nguyễn Hà Anh Vũ, sinh năm 2018, mắc bệnh hiểm nghèo không đủ tiền cứu chữa.
Số phận nghiệt ngã của gia đình cô giáo
Chị Hà Thị Lượng là giáo viên mầm non, còn chồng của chị - anh Nguyễn Anh Dũng (sinh năm 1981), làm công việc liên quan đến quản lý chất lượng nông lâm sản. Hai vợ chồng họ có 3 đứa con, cháu gái đầu tiên là Nguyễn Thảo Hiền, sinh năm 2008. Cháu thứ hai là Nguyễn Hà Anh Vũ, sinh năm 2018, cháu thứ ba là Nguyễn Hà Anh Khoa, sinh năm 2021.
Rồi một ngày, gia đình đối mặt với nỗi đau lớn khi phát hiện cháu Nguyễn Hà Anh Vũ đang 18 tháng tuổi bị mắc thiếu máu.
"Lúc cháu 18 tháng thì phát hiện ra căn bệnh này. Khi ấy, cháu thường xuyên bị sốt, trở nên yếu đuối, da mặt vàng và gia đình đã hoảng sợ, chúng tôi không dám chần chừ mà đưa cháu đi khám. Lúc đầu, chúng tôi đưa cháu đến bệnh viện tư nhân và họ chỉ cho cháu thuốc hạ sốt, tình trạng cải thiện một chút nhưng sau đó lại tái phát.
Khi chúng tôi đưa cháu vào bệnh viện tỉnh, bác sĩ xác định cháu bị thiếu máu nhưng không rõ nguyên nhân là do bệnh lý hay do sự suy giảm sức kháng của trẻ. Họ đề xuất chúng tôi nên đưa cháu lên Hà Nội để kiểm tra, từ đó cháu bắt đầu hành trình điều trị căn bệnh thiếu máu nghiêm trọng", chị Lượng kể lại.
Từ khi còn bé, cháu Anh Vũ đã phải sống cuộc đời gắn liền với bệnh viện. Mỗi tháng, Vũ phải đi bệnh viện để truyền máu một lần ở Viện huyết học, tùy từng đợt, có những đợt ở nội trú ít nhất là 1 tuần, 10 ngày. Nếu Vũ ngoại trú sẽ được về luôn. Ngoại trú sẽ đi từ 3h sáng, đến 9h đêm sẽ về luôn, tùy vào sức khỏe của cháu.
Lời cầu cứu cho con được ghép tủy
Mỗi khi nhìn thấy làn da con trở nên vàng vọt, trái tim của người mẹ như bị hàng nghìn mũi kim đâm xuyên. Gia đình đã được các bác sĩ tư vấn về phương pháp cấy tế bào gốc, một giải pháp được xem là tốt nhất bằng cách lấy tế bào gốc từ rốn của em bé.
Hiện tại, chi phí điều trị cho cháu Vũ vẫn được hỗ trợ bởi bảo hiểm trẻ em dưới 6 tuổi, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính của gia đình khi đến viện. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn phải kê đơn cho cháu Vũ dùng thuốc đặc biệt, mỗi tháng, gia đình phải trả hơn 1 triệu đồng, có tháng gần 2 triệu đồng.
Để có tiền để điều trị cho Vũ, gia đình chị Lượng đã quyết định bán nhà và tạm thời thuê một căn nhà nhỏ từ người quen.
Chị Lượng chia sẻ "Chúng tôi đã quyết định bán nhà vì bác sĩ tư vấn rằng giai đoạn vàng trong tuổi của cháu là thời gian tốt nhất để thực hiện ca ghép tế bào gốc. Nếu chúng tôi vượt qua giai đoạn này khi cháu đã trên 5 tuổi, tỷ lệ thành công sẽ rất thấp, đôi khi các bác sĩ còn không dám tiến hành phẫu thuật".
Không còn cách nào, gia đình đã phải bán căn nhà của họ với giá gần 1 tỷ đồng, mặc dù trước đó họ đã phải vay mượn để mua căn nhà này. Hiện tại, sau khi trả nợ, họ chỉ còn lại khoảng 700 triệu đồng.
"Cháu còn bé nên chưa biết được căn bệnh đấy, chỉ mỗi lần bảo đi bệnh viện, cháu thấy sợ hãi không muốn đi, sợ bác sĩ, sợ tiêm, vợ chồng em cũng động viên, dỗ dành cháu. Ông bà ngoại thì mất cả rồi, ông bà nội 70 tuổi cũng bị bệnh tật nhiều, không có lương hưu nên chẳng giúp được gì".
Từ lúc bán nhà, vợ chồng chị Lượng chạy vạy hỏi vay mượn người thân, bạn bè và các phương án đều không được. Bây giờ không biết xoay xở thế nào để có tiền cho cháu đi bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật, để cháu có sức khỏe bình thường, được đi học như bao bạn bè đồng trang lứa.