Không được nhân danh tôn giáo để vi phạm pháp luật

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ thị nhanh chóng được toàn dân tích cực hưởng ứng, thực hiện. Vì thế, dư luận rất bức xúc trước tình trạng một số tổ chức, cá nhân thiếu ý thức trách nhiệm xã hội, ý thức, trách nhiệm công dân, cố tình không chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh. Trong đó đáng chú ý là tình trạng tập trung đông người tại một số giáo xứ thuộc Giáo phận Hà Tĩnh giữa thời điểm cả nước đang nghiêm túc thực hiện cách ly toàn xã hội.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ thị nhanh chóng được toàn dân tích cực hưởng ứng, thực hiện. Vì thế, dư luận rất bức xúc trước tình trạng một số tổ chức, cá nhân thiếu ý thức trách nhiệm xã hội, ý thức, trách nhiệm công dân, cố tình không chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh. Trong đó đáng chú ý là tình trạng tập trung đông người tại một số giáo xứ thuộc Giáo phận Hà Tĩnh giữa thời điểm cả nước đang nghiêm túc thực hiện cách ly toàn xã hội.

Khi dịch Covid-19 trở thành mối hiểm họa đe dọa sự sống còn của cả loài người, cũng như có diễn biến phức tạp, nguy cơ lan rộng trong nước, với ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động, Đảng, Nhà nước Việt Nam cùng các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương và toàn dân đã nỗ lực tổ chức, huy động mọi khả năng để phòng, chống theo nguyên tắc bảo đảm sự an toàn của người dân, xã hội lên trên hết. Quyết tâm vào cuộc, ý thức trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị kết hợp sự đồng lòng của nhân dân cả nước đã đem lại một số kết quả tích cực trong việc hạn chế lây lan, điều trị người bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, do dịch bệnh có diễn biến rất phức tạp, nên tiếp sau Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 (ban hành ngày 27-3-2020), ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg (Chỉ thị 16) về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, như: thực hiện cách ly toàn xã hội trong 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc, mọi người dân ở tại nhà, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp, không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nơi công cộng...

Chỉ thị 16 nhanh chóng được các cơ quan hữu quan, chính quyền các cấp cùng toàn thể nhân dân nghiêm túc thực hiện và từ đầu tháng 4-2020 đến nay, hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 trong nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đã có kết quả khả quan, được các nước trong khu vực và dư luận quốc tế đánh giá cao. Trong bối cảnh đó, không thể chấp nhận việc tối 4-4 và sáng 5-4 một số giám mục tại một số giáo xứ thuộc Giáo phận Hà Tĩnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn tổ chức hành lễ với sự tham gia của hàng trăm công dân theo Thiên chúa (giáo dân), dù trước đó chính quyền địa phương đã gặp gỡ để tuyên truyền, vận động tổ chức hành lễ phải đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh. Đây là hành vi bất chấp, thách thức pháp luật, coi thường chính quyền không coi trọng sức khỏe, an toàn tính mạng giáo dân và cộng đồng, không tuân thủ “Sắc lệnh trong thời gian dịch bệnh Covid-19” do Hồng y Robert Sarah (Rô-bớt Sa-ra) - Bộ trưởng Bộ phụng tự và kỷ luật các bí tích thuộc Tòa thánh Vatican, ký ngày 25-3-2020. Trong đó quy định rất rõ: “tại những vùng đang bị dịch bệnh tấn công, buộc phải hạn chế việc di chuyển, tập trung đông người, các giám mục, linh mục có thể cử hành các nghi thức Tuần thánh không có giáo dân tham dự, tại một nơi thích hợp, không đồng tế và không cần thực hiện cử chỉ chúc bình an”. Các linh mục này cũng cố tình không tuân thủ “Thông báo về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do vi-rút corona” của Hội đồng Giám mục Việt Nam do Giám mục Nguyễn Văn Khảm - Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, ký ngày 2-2-2020, trong đó xác định “Giới hạn hết sức có thể các lễ hội và những cuộc hành hương đông người trong thời gian dịch bệnh chưa được ngăn chặn”; không tuân thủ “Thông báo về những lưu ý trong phụng vụ để phòng tránh dịch bệnh Covid-19” của Giáo phận Hà Tĩnh do Giám mục Nguyễn Thái Hợp ký ngày 27-3-2020, với các nội dung như: “1. Các cha dâng thánh lễ hằng ngày, kể cả Chúa nhật, lễ trọng với một số rất ít người tham dự và bắt buộc phải đeo khẩu trang; 2. Hủy bỏ các chương trình Ngắm các sự Thương khó Chúa, các việc đạo đức có tập trung đông người. Khuyến khích làm các việc lành này trong nội bộ gia đình mỗi người...”.

Về sự việc xảy ra tối 4-4 và sáng 5-4 tại một số giáo xứ thuộc Giáo phận Hà Tĩnh, Giám mục Nguyễn Thái Hợp giải thích “Người dân nhiều khi không hiểu rõ, thấy nhà thờ là đi vào”. Nhưng lý do đó hoàn toàn không thuyết phục. Vì việc hành lễ của Thiên chúa giáo có quy định chặt chẽ, quy củ, giáo dân không được tự ý tổ chức. Việc rung chuông nhà thờ và hình ảnh một số vị linh mục trong trang phục hành lễ trước hàng trăm giáo dân cho thấy đó là các hoạt động có tổ chức, không phải do giáo dân “thấy nhà thờ là đi vào”. Vì thế không thể chối bỏ trách nhiệm của một số linh mục tại các giáo xứ có hoạt động vi phạm pháp luật, thay vì đổ lỗi cho việc thiếu ý thức của giáo dân. Chưa kể, trước tình huống trong Giáo phận xảy ra hiện tượng tập trung đông người, vừa vi phạm pháp luật, vừa đe dọa tính mạng giáo dân và cộng đồng, là người đứng đầu Giáo phận Hà Tĩnh, lẽ ra Giám mục Nguyễn Thái Hợp phải kịp thời và kiên quyết xử lý, song ông lại chỉ “gọi điện thoại nhắc nhở cách làm việc sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới” như chính ông kể lại. Đáng chú ý, cũng tại cùng thời điểm, để tham gia phòng, chống Covid-19 cùng nhân dân cả nước, ngày 27-3-2020, Giáo phận Vinh thông báo tạm ngưng thánh lễ cộng đồng có giáo dân tham dự, tạm ngưng các sinh hoạt mục vụ, đạo đức cộng đồng; ngày 25-3-2020, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn thông báo tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo với sự tham dự của cộng đoàn... Tổng Giáo phận Hà Nội, cùng các Giáo phận Đà Nẵng, Xuân Lộc, Mỹ Tho,... cũng có việc làm tương tự. Từ đó không thể không hồ nghi một số hoạt động vi phạm pháp luật tại Giáo phận Hà Tĩnh vừa qua là bất thường so với xu hướng chung của Giáo hội Công giáo Việt Nam là cùng xã hội phòng, chống dịch Covid-19? Cũng qua đó có thể khẳng định, không lý do nào có thể biện hộ cho việc giữa đại dịch và đã có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mà một số giáo xứ thuộc Giáo phận Hà Tĩnh vẫn cố tình tổ chức hành lễ tại nhà thờ với đông người tham gia.

Sau khi biết tin một số linh mục ở Giáo phận Hà Tĩnh tổ chức tập trung đông người tại nhà thờ, ngày 5-4-2020, luật sư Hoàng Duy Hùng - người Mỹ, gốc Việt, còn đề xuất quan điểm của mình qua công bố clip trên YouTube “Hãy bắt giam những linh mục tụ tập đông người cầu nguyện trong mùa dịch Covid-19”. Trong clip, để khẳng định ý kiến của ông là xác đáng, luật sư Hoàng Duy Hùng đã đề cập hai sự kiện mới xảy ra tại nước Mỹ, nơi ông đang sinh sống và làm việc. Đó là việc hai mục sư đã bị cảnh sát bắt giữ, truy tố về tội “chống lại chính quyền, có thể làm hại người khác”, bởi khi dịch bệnh hoành hành dữ dội, họ vẫn mở cửa nhà thờ để tín đồ vào cầu nguyện. Dù ý kiến của luật sư Hoàng Duy Hùng là ý kiến cá nhân và dựa trên luật pháp Mỹ thì cũng có thể coi đây là sự cảnh tỉnh đối với một số người nhân danh tôn giáo để vi phạm pháp luật. Nên, nếu có tinh thần “sống tốt đời, đẹp đạo”, những cá nhân nói trên hãy có hành động tích cực trong các hoạt động nhân Lễ Phục sinh năm 2020 tổ chức vào ngày 12-4-2020.

Thực tế tại rất nhiều quốc gia trên thế giới đã cho thấy, đối với dịch Covid-19, việc tập trung đông người trong hoàn cảnh vi-rút SARS-CoV-2 chưa được nhận diện đầy đủ, chưa có vắc-xin phòng, chống cũng như thuốc chữa đặc trị thật sự là một hiểm họa. Sự kiện nhà thờ của giáo phái Tân thiên địa tại thành phố Daegu ở Hàn Quốc, nhà thờ Christian Open Door tại Pháp,... bị biến thành “quả bom Covid-19” là bài học cho cả thế giới. Tới khi nhiều linh mục và tín đồ qua đời vì dịch Covid-19, Giáo hội hoàn vũ đã điều chỉnh việc thực hành đức tin. Bên cạnh việc hạn chế hoặc tạm dừng thánh lễ và sinh hoạt mục vụ, thì hình thức truyền hình trực tiếp thánh lễ và lưu lại trên trang mạng của giáo phận hoặc tổng giáo phận đã được nhiều nơi vận dụng, giúp linh mục và giáo dân duy trì sinh hoạt tôn giáo hằng ngày. Do đó không thể vin vào lý do phải tập trung đông người mới thực hiện được thánh lễ. Như trong bài “Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh lễ giữa cơn đại dịch?” đăng ngày 25-3-2020 trên trang tiếng Việt của vaticannews.va (trang mạng của Phòng thông tin - Tòa thánh Vatican) đề cập hình thức tổ chức thánh lễ qua phát hình trực tiếp tác giả Gia An viết: “phải minh định rằng ở đây không phải là không cử hành Thánh lễ mà là Thánh lễ được cử hành theo một cách khác. Trong hoàn cảnh bất khả kháng, người tham dự Thánh lễ không thể họp nhau thành một cộng đoàn đông đúc tại nhà thờ, nhưng vẫn có thể hiệp thông để theo dõi và tham dự Thánh lễ qua các phương tiện truyền thông... Vì vậy, ở những vùng tâm điểm của dịch bệnh, khi mọi người bị cách ly và việc cử hành Thánh lễ bị tạm đình chỉ, đây là thời điểm đặc biệt mà cả những người “khỏe mạnh” cũng được mời gọi thông phần tham dự Thánh lễ từ xa. Đây là cách hiệp thông hữu hiệu để cầu nguyện cho mình và cho cả thế giới. Đây cũng là cách các Kitô hữu cộng tác hữu hiệu với những người có trách nhiệm trong việc đề phòng bệnh dịch lây lan, tránh gây thêm nhiều hậu quả nghiêm trọng”.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện tới mọi mặt của đời sống và có thể kéo dài, chúng ta cần tập trung cao độ để kiểm soát, không chủ quan. Vì chúng ta chỉ có thể chiến thắng đại dịch Covid-19 khi cả đất nước, dân tộc chung sức, đồng lòng vượt mọi khó khăn, thách thức. Điều đó đòi hỏi mỗi người không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác địa vị xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, sắc tộc, vùng miền... phải có ý thức về trách nhiệm bảo vệ bản thân và gia đình, bảo vệ cộng đồng, xã hội. Cần nhận thức rằng, mọi tùy tiện dù nhỏ nhất trong phòng, chống dịch Covid-19 đều có thể ảnh hưởng thậm chí nguy cơ xóa bỏ toàn bộ trí tuệ, nỗ lực, cố gắng cũng như công sức, tiền bạc của Chính phủ và nhân dân cả nước bỏ ra trong thời gian qua, có thể đẩy dân tộc vào tình thế hiểm nghèo. Cá nhân nào có quan niệm ích kỷ về sự sinh tồn, bất chấp luật pháp, coi thường lợi ích cộng đồng, lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc nỗ lực của chính quyền và người dân, tuyên truyền chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhân danh tôn giáo để đứng ngoài xu hướng tất yếu của hành động vừa tự bảo vệ, vừa phấn đấu vì lợi ích chung của đất nước,... nếu không nhanh chóng tự nhận thức và điều chỉnh hành vi cần bị xem xét, lên án cũng như có hình thức xử lý thích đáng, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Bởi, với đại dịch Covid-19, mọi sự vô ý thức, vô trách nhiệm với cộng đồng đều đưa lại kết quả duy nhất là làm hại bản thân, làm hại gia đình, làm hại xã hội... và trở thành tấm gương xấu, bị cộng đồng lên án, xem thường, xa lánh.

VŨ HỢP LÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43981102-khong-duoc-nhan-danh-ton-giao-de-vi-pham-phap-luat.html