Không ép buộc phụ huynh, học sinh sử dụng sách tham khảo

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt và các địa phương lựa chọn dưới mọi hình thức.

Cụ thể, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn ban hành Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỉ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần và không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập, Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc các Sở chỉ đạo các Phòng, cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa, không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sử dụng lại lâu bền.

Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 của Bộ trưởng GD&ĐT về việc giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Ngoài ra, không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.

Rà soát việc in ấn, phát hành sách giáo khoa

Với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có sách giáo khoa đã được phê duyệt, Chỉ thị yêu cầu tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành sách giáo khoa nhằm tiết kiệm, giảm giá thành. Ngoài ra, cũng cần kịp thời in ấn, phát hành sách giáo khoa bảo đảm đủ số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh. Báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành sách giáo khoa trước khi phát hành hoặc tái bản.

Với các Sở GD&ĐT, Chỉ thị yêu cầu phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng sách giáo khoa, sách bài tập, xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chỉ thị này được quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục phổ thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện.

Trước đó, trong phiên họp Quốc hội sáng 2/6, đại biểu Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) đã nêu ý kiến rằng cần phân biệt sách giáo khoa và sách tham khảo. Riêng sách tham khảo, học sinh không bắt buộc phải mua.

Vấn đề này đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục, nhà trường tăng cường công tác truyền thông rộng rãi để phụ huynh, học sinh hiểu về hai loại sách giáo khoa.

Thứ nhất là sách giáo khoa, đó là sách bắt buộc học sinh có đi học. Thứ hai là sách bổ trợ, tham khảo. Sách này tùy thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh, nên không bắt buộc phải mua.

Đại biểu đoàn Nghệ An cũng nhắc đến vấn đề trình Chính phủ để định khung giá sách giáo khoa được Bộ trưởng GD&ĐT nhắc tới trong phiên thảo luận ngày 1/6. Đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng là phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá, đảm bảo quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của người dân.

Vấn đề này, trong phiên họp Quốc hội ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội giải pháp ổn định và lâu dài về vấn đề giá sách giáo khoa.

Bộ GD&ĐT đang tích cực soạn thông tư mới về quy cách, quy chuẩn của sách cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay, quy định này cũng sẽ góp phần tác động vào giá sách.

Triêu Lai

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khong-ep-buoc-phu-huynh-hoc-sinh-su-dung-sach-tham-khao-post7419.html