Không gian gốm Mường tại Hà Nội

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu (sinh năm 1977) được biết đến với nghệ danh 'Hiếu Mường' đã tạo dựng không gian văn hóa Mường tại Hòa Bình từ năm 2007 với quy mô là một bảo tàng tư nhân đầu tiên, nhằm bảo tồn, giới thiệu không gian văn hóa dân tộc Mường tại Việt Nam. Từ 17/8 này, họa sĩ Vũ Đức Hiếu tiếp tục đưa tinh hoa gốm Mường về Hà Nội trong một không gian đậm bản sắc văn hóa tại địa chỉ 85 Nhật Chiêu (quận Tây Hồ).

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu ấp ủ lan tỏa tinh hoa gốm ở nhiều không gian khác nhau.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu ấp ủ lan tỏa tinh hoa gốm ở nhiều không gian khác nhau.

Sau hành trình lặng lẽ học hỏi rèn luyện các kỹ thuật truyền thống về nghề gốm, thể nghiệm nhiều phương pháp làm đất, men, lò nung... họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã giới thiệu một dòng gốm riêng lấy tên là gốm Mường.

Tại địa chỉ số 202 đường Tây Tiến, thành phố Hòa Bình, Không gian Văn hóa Mường do anh tạo dựng đã trở thành địa chỉ văn hóa-nghệ thuật thu hút mối quan tâm và hợp tác của nhiều người làm văn hóa nghệ thuật và du khách trong nước cũng như quốc tế.

Các nghệ sĩ miệt mài sáng tạo tại Không gian Văn hóa Mường.

Các nghệ sĩ miệt mài sáng tạo tại Không gian Văn hóa Mường.

Dấu mốc quan trọng trên hành trình gốm của họa sĩ là tháng 9/2014, với sự ra đời của Mường Studio cùng xưởng Gốm Mường đã tạo nên sân chơi đặc biệt dành cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước tới sáng tác với một chất liệu thú vị: Gốm.

Bằng nhiều năm nghiên cứu, học hỏi từ các nghệ nhân - nghệ sĩ đi trước, cùng rất nhiều những chuyến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu các vùng gốm cổ truyền nổi tiếng khắp cả nước như: Bát Tràng (Hà Nội); Phù Lãng (Bắc Ninh); Hương Canh (Vĩnh Phúc); Chu Đậu (Hải Dương); Đông Triều (Quảng Ninh); Mường Chanh (Sơn La); Phước Tích (Huế); Châu Ổ (Quảng Ngãi); Tây Giang (Quảng Nam); gốm Chăm (Bàu Trúc, Ninh Thuận); gốm Biên Hòa (Đồng Nai)... Vũ Đức Hiếu cùng các cộng sự đã tạo nên một chất gốm, một tinh thần gốm rất riêng mà mọi người yêu mến định danh với tên gọi: Gốm Mường.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu dành rất nhiều tâm huyết để bảo tồn, lan tỏa tinh hoa gốm.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu dành rất nhiều tâm huyết để bảo tồn, lan tỏa tinh hoa gốm.

Trong không gian gốm Mường của Vũ Đức Hiếu, người ta dễ dàng nhận diện từ xưởng gốm, đất tổ mối, đất sét, các nguyên liệu pha chế men tro, phụ liệu... hầu hết khai thác tại chỗ, sau nhiều lần thử nghiệm Vũ Đức Hiếu đã tạo được một sắc thái gốm riêng, mang dấu ấn cá nhân rõ nét.

Đáng nói, gốm của "Hiếu Mường" đã khai thác tốt cảm hứng, tình yêu trong hành trình ngót hai thập kỷ nỗ lực bảo tồn, quảng bá văn hóa Mường của cá nhân ông, một nghệ sĩ từng tốt nghiệp chuyên ngành Lý luận, Lịch sử và Phê bình Mỹ thuật cũng như tạo dáng công nghiệp, một trình độ chuyên môn cần thiết để nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật.

Một tác phẩm trong bộ sưu tập Gốm Mường của họa sĩ "Hiếu Mường".

Một tác phẩm trong bộ sưu tập Gốm Mường của họa sĩ "Hiếu Mường".

Thẩm mỹ riêng của gốm Mường nằm ở kiểu dáng độc đáo, như Vũ Đức Hiếu chia sẻ, chính thế giới đồ vật của người Mường mà ông dày công sưu tầm trong nhiều năm đã dẫn dắt tư duy tạo hình, như một mạch nguồn cảm xúc tự nhiên, vừa có bóng dáng đồ vật, giàu tính biểu hiện phồn thực của cấu trúc sinh học, vừa gợi liên tưởng tới các hình thức tín ngưỡng nguyên thủy xa xôi.

Gốm Mường chủ yếu có bề mặt thô ráp, có các gam màu nâu, vàng, chàm, xanh lá, đôi khi được vẽ thêm các họa tiết kỷ hà đặc trưng của mỹ thuật truyền thống người Mường, người vùng cao, gần với thẩm mỹ các sắc dân cổ vùng Đông Nam Á và Mỹ La-tinh.

Không gian của "Hiếu Mường" còn trở thành mái nhà chung của nhiều nghệ sĩ.

Không gian của "Hiếu Mường" còn trở thành mái nhà chung của nhiều nghệ sĩ.

Nhận định về gốm của "Hiếu Mường", nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông chia sẻ: Có được các hòa sắc đó là quá trình dài nghiên cứu, thể nghiệm các công thức men pha trộn men tro (men hữu cơ) cổ truyền và một số chất vô cơ phổ biến trong kỹ thuật tạo men gốm hiện đại.

"Xương gốm, nhờ sử dụng đất tổ mối, đôi khi kết hợp đất Samot cho phép nung ở nhiệt cao những hình khối phức tạp"

Nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông

Có thể nói với gốm Mường, nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu trước hết đã tạo được nhiều tác phẩm điêu khắc riêng, độc đáo, sau đó là nỗ lực tôn vinh văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa Mường nói riêng của Không gian Văn hóa Mường đã được ghi nhận, như: Giải thưởng quốc tế Jeonju International Awards 2020 (Hàn Quốc) hay Giải thưởng Phan Châu Trinh về Văn hóa - Giáo dục (2013)...

Xưởng Gốm Mường của họa sĩ Vũ Đức Hiếu được khai trương ngày 17/8 tại địa chỉ 85 Nhật Chiêu, Tây Hồ, Hà Nội. Không gian sẽ là nơi trưng bày thường xuyên, mở cửa hằng ngày để chào đón du khách quan tâm và yêu thích gốm, đồng thời sẽ diễn ra nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khong-gian-gom-muong-tai-ha-noi-post824951.html