Không gian lưu giữ ký ức biển Việt Nam

Nằm ngay cạnh cảng Cầu Đá, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Hải dương học Nha Trang tiếp đón hàng nghìn khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu mỗi ngày trong đó Bảo tàng Hải dương học Việt Nam của Viện được mệnh danh là không gian thu nhỏ của biển Việt Nam.

Khách nước ngoài nghiên cứu tại khu lưu trữ mẫu vật.

Khách nước ngoài nghiên cứu tại khu lưu trữ mẫu vật.

Ngay tại cổng ra vào là bức tượng cá mao tiên khá đẹp mắt, biểu tượng của Viện Hải dương học Nha Trang. Trong đại dương, cá mao tiên có dáng hình thướt tha, quyến rũ. Các nhà khoa học gọi cá mao tiên là “công chúa biển”, cũng có người gọi là “nữ hoàng của biển cả”.

Cá mao tiên có tên khoa học là Pterois Volitans, sinh sống trong môi trường rạn san hô. Đẹp là vậy, nhưng những chiếc gai trên vây lưng cá mao tiên có khả năng tiết ra chất cực độc. Khi lặn biển, người bị gai vây cá mao tiên chích vào sẽ rất buốt, lên cơn sốt và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Không gian biển cả dần mở ra, đầu tiên là khu trưng bày sinh vật biển. Ở đây có vô số sinh vật biển, nuôi trong những bể mở, từ các loại động vật quen thuộc như tôm, cua, các loại cá nước mặn cho đến những loại cá lớn hơn như cá mập hay cá đuối. Nhiều người lưu lại đây hàng giờ liền, để ngắm nhìn loài cá mập mạnh mẽ và hung dữ.

Hiện có khoảng hơn 400 loài cá mập khác nhau sinh sống ở các vùng biển trên khắp thế giới. Theo nhà cổ sinh vật học Stephen Wroe, cá mập có tới… năm hàng răng, và những cú đớp từ bộ hàm của chúng tương ứng với lực nén khoảng… tám tấn!

Hung dữ là vậy, nhưng các nhà nghiên cứu ước tính rằng, có đến 100 triệu con cá mập bị giết mỗi năm trên khắp thế giới.

Tại khu trưng bày mẫu vật lớn, rộng khoảng 200m2 của Bảo tàng Hải dương học, trước mắt chúng tôi là bộ xương cá voi lưng gù dài 18m, nặng gần 10 tấn được khai quật tại xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà cũ năm 1994. Đây là bộ xương cá voi đầu tiên tại Việt Nam được trưng bày theo kiểu nguyên hình dạng.

Ngư dân chúng ta thường kể nhau nghe những câu chuyện về cá voi giúp tàu thuyền vượt qua gió to, sóng dữ trên biển. Bởi vậy, cá voi được ngư dân ta tôn vinh là Đức Ông, là Ông Nam Hải và được thờ cúng rất nghiêm cẩn. Điều đặc biệt là phần lớn Lăng Ông ở Khánh Hòa đều có sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng. Và, lễ hội Cầu ngư hằng năm của ngư dân Khánh Hòa cũng bắt nguồn từ tục thờ thần Nam Hải này.

Có điều thú vị là cho tới bây giờ, nhiều nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu, giải mã những tiếng hát bí ẩn của loài cá voi lưng gù giữa biển khơi.

Bên cạnh bộ xương cá voi lưng gù còn có hai bộ xương khác lớn cũng không kém mấy là cá nạng hải và bò biển. Bò biển là một trong số những loài động vật biển hiếm hoi có vú và biết cho con bú nên thường được dân biển gọi là “nàng tiên cá”. Các nhà khoa học gọi bò biển là Dugong, tiếng Ấn Độ có nghĩa là “người con gái đẹp”.

Tương truyền, khi các thủy thủ phương Tây nhìn thấy Dugong cứ tưởng là người nên mới gọi là “người cá” hay “nhân ngư”. Do bị khai thác quá mức, Dugong hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng, ở mức cực kỳ nguy cấp (CR), theo Sách Đỏ Việt Nam. Mấy năm gần đây, Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WAR) phối hợp Khu Bảo tồn biển Phú Quốc nêu cao khẩu hiệu “Xin đừng giết nàng tiên cá!” kêu gọi cộng đồng tham gia bảo vệ Dugong.

Đại dương luôn chứa đựng nhiều bí ẩn. Trên con đường hầm xuyên núi, đông đảo du khách hòa mình vào khung cảnh đại dương xanh lung linh, huyền ảo. Được ví như một “thủy cung thu nhỏ”, đây là nơi trưng bày các loại san hô, tảo và hơn 300 loài động vật quý hiếm phục vụ nhu cầu tham quan cũng như học tập, nghiên cứu.

Du khách thích thú quan sát các loài sinh vật biển đang sống trong môi trường đại dương, có một số loài quý hiếm, sống rất sâu dưới đáy biển. Những người yêu biển, yêu các sinh vật sống dưới nước dường như khó lòng rời mắt khỏi đây, bởi đó là những cảnh tượng đẹp.

Một thầy giáo buột miệng: “Tôi như trẻ nhỏ lạc vào thế giới biển cả thần tiên khi được ngắm nhìn các loài thủy sản biển nuôi trong bể lớn và bể kính như rùa biển, cá mập, rắn biển, các loài nhuyễn thể… Rất sống động. Ngày còn đi học, tôi chỉ có thể tưởng tượng, hình dung cảnh vật trong lòng đại dương qua tác phẩm “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của Jules Verne. Còn bây giờ, tôi không phải hình dung cảnh tượng dưới đáy biển qua từng con chữ nữa, mà cảm nhận bằng tất cả các giác quan của mình”.

Mô hình con tàu De Lanessan.

Mô hình con tàu De Lanessan.

Đến khu lưu trữ mẫu vật, nhiều người bất ngờ khi biết được ở đây có tới hơn 23.000 mẫu sinh vật biển, thuộc 5.000 loài; trong đó có nhiều mẫu quý hiếm như cá tầm, cá vua, cá mặt trăng đuôi nhọn, trai khổng lồ, hải cẩu, cá ông chuông…

Đây là nơi được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Nơi lưu trữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất” đất nước từ năm 2012. Mỗi mẫu vật là một câu chuyện sinh động của đại dương. Chẳng hạn một vỏ trai lớn gợi lại hình ảnh những người thợ lặn tìm ngọc trai ngoài biển cả, cho đến bây giờ vẫn là lặn thủ công, bất chấp bao nhiêu nguy hiểm rình rập đến tính mạng như thiếu dưỡng khí, nhiệt độ thay đổi, cá mập tấn công. Quả thật, những viên ngọc trai lấp lánh, có giá trị cao là sự kết tinh bao nhiêu linh khí của đất trời và cả mồ hôi, xương máu của con người.

Chuyên đề “Hiện diện trên Biển Đông” tại Bảo tàng Hải dương học trưng bày 18 bản đồ xuất bản trong khoảng thời gian từ năm 1747 đến 1946. Đây là những minh chứng về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam, từ các tư liệu cổ cho đến hành trình thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam đối với hai quần đảo này thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học từ thế kỷ 17 đến nay; trong đó có sự đóng góp quan trọng của nhiều thế hệ cán bộ khoa học Viện Hải dương học Nha Trang.

Chúng tôi dừng chân rất lâu trước mô hình một con tàu, được đặt ở vị trí rất trang trọng. Đó là con tàu De Lanessan. Trong ký ức của những người nghiên cứu biển Việt Nam kỳ cựu, hình ảnh con tàu ấy rất đỗi quen thuộc và thiêng liêng. Tàu De Lanessan có trọng tải 750 tấn, dài 45m, được Pháp bàn giao cho Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương ngày 21/6/1924, tại cảng Bordeaux.

Ngày 7/11/1924, tàu cập cảng Hải Phòng. Kể từ đó, nhật ký hải trình của con tàu De Lanessan mở ra trên vùng biển Việt Nam, gắn với những chuyến thám sát, nghiên cứu biển dài ngày của các nhà khoa học thuộc Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương khi đó, tiền thân của Viện Hải dương học Nha Trang bây giờ.

Những chuyến khảo sát của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương hồi ấy được xác định là hoạt động nghiên cứu khoa học biển đầu tiên trên quần đảo Hoàng Sa, do Việt Nam thực hiện.

Kể từ năm 1925, tàu De Lanessan gắn chặt với các hoạt động của Viện Hải dương học. Với sự tham gia của tàu De Lanessan, Viện Hải dương học đã mở rộng phạm vi nghiên cứu và thu thập thông tin xuống phía nam: vịnh Thái Lan, năm 1925; lên phía bắc: vịnh Bắc Bộ, năm 1925; ra các vùng khơi: Quần đảo Hoàng Sa, năm 1926 và Quần đảo Trường Sa, năm 1927 và thực hiện khảo sát có hệ thống và định kỳ trên 572 trạm, đặc biệt là hai trạm cố định, một ở Cầu Đá, Nha Trang và một ở quần đảo Hoàng Sa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, Sở Hải dương học Nghề cá Đông Dương (Service Oceánographique des Pêches de l’Indochine) là cơ quan tiền thân của Viện Hải dương học Đông Dương, nay là Viện Hải dương học Nha Trang, được thành lập theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương François Marius Baudoin ký ngày 14/9/1922. Đây là cơ quan nghiên cứu khoa học về biển có bề dày lịch sử lớn nhất nước ta. Nói đến Viện Hải dương học, người ta không thể không nhắc đến một bộ phận hữu cơ của nó là Bảo tàng Hải dương học, vốn rất nổi tiếng từ những năm 30 của thế kỷ trước, với tên gọi dân dã là “Hồ cá Hải học viện Nha Trang”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn trong nhiều năm qua, Viện Hải dương học Nha Trang đã có đóng góp rất lớn trong công tác bảo tồn thiên nhiên biển và ông bày tỏ mong muốn làm sao có sự hiện diện nhiều hơn nữa của các nhà khoa học Việt Nam trên biển, đặc biệt là ở các khu vực Hoàng Sa và Trường Sa.

Nguồn:https://nhandan.vn/khong-gian-luu-giu-ky-uc-bien-viet-nam-post797348.html

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/du-lich/646064-khong-gian-luu-giu-ky-uc-bien-viet-nam.html