Không gian mới cho du lịch Đồng Nai phát triển

Sau sáp nhập, cùng với việc sắp xếp, triển khai thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp, hạ tầng giao thông cho tỉnh mới, trên lĩnh vực du lịch, tỉnh Đồng Nai mới có thêm nhiều lợi thế để phát triển bền vững.

Du khách trải nghiệm tiếng đàn đá, một nhạc cụ được trưng bày tại Địa điểm ghi dấu Phong trào Giã gạo nuôi quân tại sóc Bom Bo, xã Bom Bo. Ảnh: N.Liên

Du khách trải nghiệm tiếng đàn đá, một nhạc cụ được trưng bày tại Địa điểm ghi dấu Phong trào Giã gạo nuôi quân tại sóc Bom Bo, xã Bom Bo. Ảnh: N.Liên

Trên cơ sở quy hoạch, phát triển du lịch của 2 tỉnh cũ, tỉnh Đồng Nai mới hứa hẹn có thêm nhiều điểm đến hấp dẫn và nhiều dự án du lịch tiềm năng đang mời gọi đầu tư.

Khai thác lợi thế du lịch địa phương

Theo mục tiêu phát triển của tỉnh Đồng Nai (cũ), đến năm 2050, trên lĩnh vực du lịch, Đồng Nai là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế. Trong khi đó, tỉnh Bình Phước (cũ) cũng xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và đặt ra những mục tiêu phát triển cụ thể theo từng giai đoạn.

Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh Đồng Nai mới đang tập trung các nhiệm vụ, giải pháp như khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành, gắn với mô hình đô thị sân bay. Đồng thời, hoàn thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh. Thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng, trong đó chú trọng đến hệ thống giao thông kết nối vùng.

Bên cạnh những sản phẩm du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, du lịch Đồng Nai còn có những điểm đến ấn tượng như: Khu du lịch Sơn Tiên, Bửu Long, Suối Mơ, Bò Cạp Vàng, Địa điểm ghi dấu Phong trào Giã gạo nuôi quân tại sóc Bom Bo, Khu quần thể văn hóa, cứu sinh núi Bà Rá… Đây là những điểm du lịch có quy mô lớn, thu hút lượng khách lớn hàng năm của tỉnh Đồng Nai mới.

Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2024, khu vực hồ Trị An của Đồng Nai nằm trong danh mục địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Đây là lợi thế để Đồng Nai mở ra không gian phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững với những sản phẩm du lịch sinh thái rừng, thác, hồ độc đáo của khu vực và cả nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, hồ Trị An có thể kết nối với các tuyến đường giao thông như: đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực ngã tư Dầu Giây gần với Sân bay quốc tế Long Thành... Do đó, hồ Trị An hoàn toàn có những lợi thế thu hút cả khách du lịch quốc tế lẫn nội địa. Đến nay, khu vực hồ Trị An đã có một số điểm đến khai thác các dịch vụ lưu trú, tham quan để phục vụ du khách.

Cùng với những lợi thế về phát triển du lịch cấp quốc gia, Đồng Nai còn có lợi thế để khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái rừng, vườn, hồ… dựa trên những thành quả trong xây dựng nông thôn mới, những ưu đãi về thiên nhiên với Vườn quốc gia Bù Gia Mập và Vườn quốc gia Cát Tiên, cùng các khu du di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh - người mở cõi phương Nam; Văn miếu Trấn Biên; Căn cứ Tà Thiết; Chiến khu Đ…

Dồn sức để du lịch Đồng Nai cất cánh

Đồng Nai hiện có nhiều dự án du lịch đang mời gọi các nhà đầu tư. Là tỉnh công nghiệp tốp đầu cả nước, thu hút cả triệu lao động trong nước và nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Do đó, Đồng Nai không chỉ phong phú về sản phẩm du lịch, mà còn là thị trường khách du lịch lớn, lâu nay được các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh khai thác khá tốt.

Trong những năm gần đây, một số dự án du lịch lớn đã bắt đầu có sự chuyển động như: Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí thác Mai - bàu Nước sôi đến nay đã có nhà đầu tư và đang triển khai dự án; Đề án Du lịch sinh thái của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã có 12 nhà đầu tư quan tâm đăng ký đầu tư vào các điểm phát triển du lịch theo quy hoạch. Đặc biệt mới đây, tỉnh Đồng Nai đã chính thức khởi động Dự án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí núi Chứa Chan với sự kỳ vọng của người dân địa phương cũng như các cấp lãnh đạo tỉnh và Trung ương.

Du khách chèo Sup trên hồ Trị An, địa danh nằm trong quy hoạch khu du lịch quốc gia.

Du khách chèo Sup trên hồ Trị An, địa danh nằm trong quy hoạch khu du lịch quốc gia.

Chia sẻ về những cơ hội cũng như định hướng phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai mới, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, trên tinh thần những nghị quyết, kế hoạch cũng như đề án phát triển của 2 tỉnh cũ về lĩnh vực du lịch, ngành du lịch sẽ tiếp tục phát huy, thực hiện các giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch cho tỉnh Đồng Nai mới. Trong đó, rà soát, mời gọi đầu tư những dự án du lịch lớn của tỉnh; xây dựng và hoàn thiện những sản phẩm du lịch của tỉnh mang đậm bản sắc văn hóa, con người Đồng Nai. Đồng thời, quảng bá những điểm đến, sản phẩm du lịch của tỉnh, những sản phẩm du lịch liên kết cấp vùng để quảng bá mạnh mẽ về thiên nhiên, văn hóa và con người Đồng Nai.

“Ngành du lịch đang nỗ lực để thúc đẩy phát triển du lịch Đồng Nai. Đưa du lịch Đồng Nai cất cánh cùng hàng không như mục tiêu đã lựa chọn. Tôi mong rằng, ngành du lịch sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành cũng như doanh nghiệp du lịch, người dân cùng chung tay đưa du lịch Đồng Nai phát triển lên tầm cao mới” - bà Ngọc Loan cho biết.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/khong-gian-moi-cho-du-lich-dong-nai-phat-trien-df01598/