Không gian phát triển du lịch Tây Bắc còn rất lớn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thúc đẩy phát triển du lịch vùng Tây Bắc là rất cần thiết nhưng phải làm từng bước chắc chắn, tăng cường liên kết, chú trọng du lịch cộng đồng gắn kết với hạ tầng, sản phẩm du lịch.
Ngày 14/11, tại Phú Thọ đã diễn ra hội nghị liên kết phát triển du lịch TPHCM với các tỉnh Tây Bắc trong chuỗi sự kiện du lịch TPHCM liên kết với các vùng miền cả nước. Trước đó, ngành du TPHCM đã kí thỏa thuận liên kết hợp tác với các tỉnh vùng ĐBSCL, vùng Đông Nam Bộ.
Cùng hành động để vực dậy ngành du lịch
Với chủ đề “Liên kết phát triển bền vững”, hội nghị đã nghe lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp du lịch trao đổi, thảo luận về những định hướng mới trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch; phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách du lịch và đầu tư đến các địa phương; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương đồng thời góp phần tích cực từng bước phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến lượng khách du lịch đến TPHCM năm 2020 ước giảm khoảng 81%, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng giảm 40%. Sự sụt giảm buộc các địa phương phải hành động để vực dậy ngành du lịch. Định hướng liên kết giữa TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tập trung vào liên kết hình thành các sản phẩm, tuyến, điểm du lịch mới, đa dạng; cùng kêu gọi đầu tư tư nhân, nước ngoài vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt là hạ tầng du lịch; các địa phương cùng tổ chức các hoạt động xúc tiến, truyền thông dưới một thương hiệu chung; kết nối cơ sở dữ liệu du lịch toàn vùng; đẩy mạnh liên kết đào tạo nhân lực du lịch phù hợp từng nhóm đối tượng, địa phương ở Tây Bắc, chú trọng ngoại ngữ và thực hành.
Đại diện Công ty Saigon Tourist cho biết sau khi khảo sát các điểm du lịch tại các tỉnh Tây Bắc, đơn vị đã mở 3 tuyến du lịch mới. DN này đặt mục tiêu mỗi năm sẽ mở mới khoảng 3 tuyến du lịch, đưa du khách đến Tây Bắc tăng 10-20%. Đại diện Saigon Tourist cũng cam kết hỗ trợ phát triển nhân lực du lịch cho các tỉnh Tây Bắc
Đại diện Saigon Tourist và Công ty Vietravel cũng khẳng định sẽ hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc về nhân lực thông qua các chương trình liên kết đào tạo, quản lý điểm đến, điều hành cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, nhân viên dịch vụ du lịch...
Tại hội nghị, nhiều DN du lịch đã giới thiệu nhiều tuyến du lịch mới được xây dựng, phong phú, đa dạng, giúp du khách cảm nhận được cuộc sống bình yên, hoang sơ và đầy sức sống nơi núi rừng Tây Bắc.
Phát triển nhanh nhưng không nóng vội
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định du lịch không chỉ là một ngành kinh tế tổng hợp, mà còn liên quan tới xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh của đất nước. Những năm qua chúng ta đã rất nỗ lực, không chỉ các cấp chính quyền trực tiếp quản lý về du lịch, các DN mà còn rất nhiều các cơ quan làm quảng bá, xúc tiến du lịch cho tới xuất nhập cảnh. Đặc biệt là người dân đã tham gia tích cực vào làm du lịch không chỉ qua các mô hình du lịch cộng đồng mà bằng cả sự cởi mở, thân thiện và nụ cười.
Tuy nhiên là một nước đang phát triển nên để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chúng ta còn phải làm rất nhiều việc, cả những việc có thể nỗ lực trong một thời gian ngắn nhưng cũng có việc phải rất dài hơi.
Trước hết là yêu cầu cải thiện hạ tầng phục vụ khách du lịch từ đường sá, sân bay đến y tế, văn hóa... Cùng với đó là nỗi lo có những lúc chúng ta phát triển nóng dẫn đến nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, thậm chí một số nơi phải dùng nhiều nguồn lực, thời gian để khắc phục những khiếm khuyết do phát triển nóng từ ban đầu. Có những ngọn núi đã bị phá, có những dòng sông thành dòng sông chết. Trong khi phải mất hàng triệu năm mới có một ngọn núi, hàng nghìn năm mới có một dòng sông, hàng trăm năm mới có một cây cổ thụ.
Tương tự khi phát triển du lịch cộng đồng, một số nơi, những ngày đầu, cấp tập phát động bà con nâng cấp hạ tầng nông thôn hay ngay trong nhà mình để đón khách nước ngoài. Trong một thời gian ngắn những con đường nhỏ có những bờ dậu, bờ rào xanh tươi đã biến thành đường xi măng. Nhiều căn nhà thì có thay mái ngói bằng mái tôn, trong nhà có thêm vách nhựa.
“Chúng ta phát triển du lịch nhanh nhưng phải từng bước rất chắc chắn, có những việc chúng ta làm bây giờ tưởng là đúng nhưng về lâu dài là không đúng”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Một mối lo rất trực tiếp được Phó Thủ tướng nêu lên là sự thiếu kết hợp trong phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng miền. Dễ thấy nhất là câu chuyện các địa phương quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài; các sản phẩm du ở một vùng miền na ná, cạnh tranh nhau, không có sự bổ sung, hỗ trợ. Vì vậy, Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực của TPHCM liên kết du lịch với các vùng, miền trong cả nước, cũng như nỗ lực của các tỉnh Tây Bắc góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, khắc phục những bất cập, hạn chế.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đối với các tỉnh Tây Bắc sự phối hợp lại càng cần thiết hơn. Số liệu thống kê cho thấy trong 5 vùng du lịch thì Tây Bắc chiếm 12% khách du lịch nhưng doanh thu chỉ chiếm 5%, thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, không gian phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới ở Tây Bắc còn rất lớn.
Kinh nghiệm cho thấy những địa phương thu hút được DN lớn đầu tư cho du lịch, không chỉ bằng tiền bạc mà có cả kinh nghiệm, trình độ, thì lượng khách tăng, doanh thu tăng và chi tiêu trung bình của khách du lịch cũng tăng. Vì vậy, một trong những mũi liên kết giữa TPHCM và các tỉnh Tây Bắc là làm sao tạo thuận lợi nhất để có những DN lớn đầu tư thật nhiều về hạ tầng và các sản phẩm du lịch.
Du lịch cộng đồng gắn kết với hạ tầng
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng trao đổi với lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc về hướng kết hợp giữa các DN và cộng đồng dân cư cùng phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng bền vững.
Doanh thu du lịch cộng đồng so với sản xuất điện thoại, ti vi thấp hơn nhiều nhưng sẽ giúp xóa đói giảm nghèo, bà con tiếp cận được những giá trị văn hóa bên ngoài, mang giá trị văn hóa của dân tộc mình lan tỏa ra. Điều này với vùng Tây Bắc thì đặc biệt quan trọng. Nếu chúng ta chú trọng du lịch cộng đồng ngay từ đầu thì gắn kết với hạ tầng, sản phẩm du lịch mới bền vững.
Trước mắt, với tình hình dịch bệnh hiện nay du lịch quốc tế chưa thể phục hồi, Phó Thủ tướng cho rằng thị trường trong nước sẽ giúp các DN du lịch tồn tại và chuẩn bị cho bước phục hồi tiếp theo. Nhưng để làm được điều này thì chung sống an toàn với dịch bệnh là yêu cầu đầu tiên.
Trước hết các cơ sở y tế phải tuyệt đối an toàn, sau đó là trường học, tiếp đến du lịch phải an toàn, từ khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, các điểm di tích, thắng cảnh, bằng cách tự thực hiện định kỳ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế và tự đánh giá. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã đưa lên mạng bản đồ chống dịch tại địa chỉ antoancovid.vn. Các bệnh viện, trường học, cơ sở lưu trú, siêu thị, tới đây là nhà máy, công sở, bến xe… đều phải cập nhật việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch lên bản đồ này. “Chúng ta không có cách nào khác, vì nếu chỉ xuất hiện 1 ca nhiễm trong cộng đồng thì mọi nỗ lực lại quay về ban đầu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, khi chúng ta giữ được an toàn, phát triển du lịch trong nước thì người Việt Nam sẽ được thụ hưởng những sản phẩm, dịch vụ du lịch vốn có chi phí đắt đỏ thường dành cho khách nước ngoài. Đồng thời các DN du lịch có thời gian nhìn nhận, điều chỉnh “từ việc to đến việc nhỏ” để khi thị trường quốc tế mở lại thì bước vào giai đoạn phát triển mới với tâm thế, năng lực cạnh tranh mới. Đây là vấn đề Bộ VHTTDL cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới để “cái khó không bó cái khôn mà ló cái khôn”.