Không hình sự hóa quan hệ dân sự, tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội góp ý, vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm, là nhiệm vụ trên hết.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu).

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu).

Khó khăn của doanh nghiệp là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận sáng 29/5 của Quốc hội.

Niềm tin là trên hết

Theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu), để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% đã đề ra trong năm nay, việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng.

“Trong đó, tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm, là nhiệm vụ trên hết”, đại biểu Khánh nhấn mạnh.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 68.400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023; tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, đến đầu tháng 4 ở mức 1,6%, vị đại biểu Lai Châu nhìn nhận, điều này cho thấy khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp suy giảm, thị trường bất động sản khó khăn, nhất là quy định thủ tục phát triển các dự án nhà ở; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng so với cùng kỳ nhưng khu vực kinh tế trong nước chỉ chiếm 27,2%; đầu tư công tăng, góp phần cho tăng trưởng kinh tế nhưng không thể kéo dài mãi, ông Khánh nói.

Đề xuất giải pháp, đại biểu cho rằng, cần khẩn trương đưa các chính sách mới ban hành vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật mới được ban hành có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

“Tôi đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét, quyết định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế. Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ, ngành cần có bước chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ về hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành để luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay”, ông Khánh nêu rõ quan điểm.

Vị đại biểu Lai Châu cũng đề cập giải pháp tiếp tục chia sẻ những thông điệp của người đứng đầu Chính phủ gửi đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, đó là không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế, tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển.

Chi phí logistics cao làm giảm sức cạnh tranh

Đề cập vấn đề không mới, nhưng còn nguyên tính thời sự, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) phản ánh, theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics bình quân của nước ta từ 16,8 đến 17% GDP. Mức này cao hơn nhiều bình quân của thế giới là 10,6%, ảnh hưởng trực tiếp đến cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) phát biểu tại hội trường.

Nguyên nhân chính và cũng là điểm nghẽn lớn nhất của vùng là hệ thống logistics chưa phát triển, thiếu hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Khoảng 90% hàng hóa của vùng được chuyển bằng đường bộ đến các cảng tại TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu. Điều này làm đội chi phí logistics, tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa ĐBSCL, ông Thanh nói.

Thực tế đó, theo vị đại biểu Cà Mau, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu trong vùng ĐBSCL để phục vụ xuất nhập khẩu, thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Vẫn theo đại biểu, Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 định hướng phát triển các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo… Tại tỉnh Cà Mau sẽ ưu tiên phát triển Cảng Hòn Khoai tại đảo Hòn Khoai.

Đảo Hòn Khoai có diện tích khoảng 4 km2, nằm ở phía Đông Nam Mũi Cà Mau, cách đất liền khoảng 14,7 km, cách đường hàng hải quốc tế khoảng 20 hải lý; cách TP.HCM khoảng 340 km. Vùng biển này có độ sâu từ 15 - 27m, ổn định luồng lạch, rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển nước sâu và là một trong số ít cảng nước sâu của cả nước cho phép ra vào, bốc dỡ tàu có trọng tải rất lớn (tàu 250.000 tấn). Cảng Hòn Khoai sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội của không chỉ riêng Cà Mau mà của khu vực ĐBSCL.

Ngoài yếu tố phát triển kinh tế biển thì Hòn Khoai còn là vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, được ví như điểm tiền tiêu ở khu vực phía Nam để canh giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển nước ta, ông Thanh nhìn nhận.

Không những thế, đảo Hòn Khoai còn được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch biển, có khả năng thu hút khách nước ngoài, cạnh tranh với các điểm du lịch khác trong khu vực. Hiện, du lịch biển là một trong 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam, được ưu tiên phát triển theo Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 .

Tuy nhiên, hiện nay, do chưa quy hoạch chi tiết, cùng với cơ chế chính sách ưu đãi chưa có nên dự án cảng Hòn Khoai có vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD này vẫn chỉ là tiềm năng, chờ đợi, đại biểu Thanh nêu rõ.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ Cà Mau trong việc xây dựng khung pháp lý, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Đồng thời xem xét hỗ trợ một phần từ nguồn ngân sách trung ương cho các công trình kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng như khu dịch vụ hậu cần logistics ven bờ, cầu dẫn từ bờ ra đảo, đê chắn sóng, luồng tàu, báo hiệu hàng hải… Trường hợp cần thiết, đề nghị cho phép doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng có năng lực để đầu tư cảng lưỡng dụng.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khong-hinh-su-hoa-quan-he-dan-su-tao-dung-niem-tin-cho-doanh-nghiep-d216304.html