Không kéo dài thời hạn thanh tra

Việc quy định thời hạn thanh tra nói chung và tất cả các bước trong trình tự, thủ tục thanh tra chuyển toàn bộ từ 'ngày' thành 'ngày làm việc' như quy định của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ kéo dài thời hạn thanh tra, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đối tượng thanh tra, làm giảm tính hiệu quả và tính kịp thời trong quá trình quản lý nhà nước. Do vậy, thảo luận tại hội trường sáng 22/5, các ĐBQH đề nghị, không kéo dài thời hạn thanh tra.

Chưa lý giải thấu đáo

Theo các đại biểu Quốc hội, Điều 20 dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định thời hạn thanh tra nói chung và tất cả các bước trong trình tự, thủ tục thanh tra chuyển toàn bộ từ “ngày” thành “ngày làm việc”, mà chưa lý giải rõ, thấu đáo.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp khi thẩm tra dự án Luật cũng cho rằng, với sự thay đổi này, thời hạn tiến hành một cuộc thanh tra sẽ kéo dài hơn rất nhiều, có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cân nhắc không thay đổi đơn vị thời gian từ “ngày” sang “ngày làm việc” như dự thảo Luật. Việc kéo dài thời hạn thanh tra lên tới 120 ngày làm việc tương đương khoảng 6 tháng là khá dài và chưa phù hợp với chủ trương của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thời gian xử lý thủ tục đã được xác định trong năm 2025.

Đại biểu lưu ý, “thời gian thực hiện khá dài, có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đối tượng thanh tra, làm giảm tính hiệu quả và tính kịp thời trong quá trình quản lý nhà nước”.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cho biết, dự thảo Luật đã được sửa đổi, nhằm phù hợp với cơ cấu, tổ chức thanh tra sau sắp xếp, trong đó quy định: trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa khó khăn đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày làm việc. Như vậy, thời gian thanh tra tăng lên. Dù việc điều chỉnh nhằm tạo điều kiện cho các Đoàn thanh tra trong những trường hợp đặc thù, nhưng theo đại biểu, vẫn tiềm ẩn nguy cơ kéo dài thanh tra, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.

"Quy định này chưa phù hợp với mục tiêu cắt giảm thời gian thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ pháp luật vốn đang là yêu cầu cấp thiết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh". Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị rà soát, điều chỉnh thời hạn thanh tra theo hướng tinh gọn, khoa học hơn; đồng thời làm rõ thế nào là trường hợp phức tạp.

“Trên thực tế có nhiều tình huống phát sinh như phải trưng cầu giám định, đối tượng không hợp tác, các vụ việc liên quan đến nhiều địa phương, bộ, ngành; trong đó có một số trường hợp như thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh, việc gia hạn cần có cơ chế riêng. Do đó nên quy định giao Chính phủ quy định chi tiết các trường hợp được coi là phức tạp và điều kiện để được gia hạn nhằm tránh tùy tiện, bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động thanh tra”, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để rút ngắn thời hạn thanh tra

Dự thảo Luật quy định: cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày làm việc; cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 45 ngày làm việc, không tính ngày nghỉ, ngày lễ. Cũng cho rằng, quy định này là chưa phù hợp, ĐBHQ Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị giữ nguyên thời hạn thanh tra như Luật Thanh tra hiện hành, không nên kéo dài thời gian thanh tra.

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phạm Thắng

"Với một cuộc thanh tra đặc biệt như thanh tra, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo thì càng phải thẩm tra, xác minh và kết luận vấn đề đó càng nhanh càng tốt, không nên kéo dài thời gian, vì để kéo dài, đôi khi tình hình sẽ phức tạp, cho nên cần cân nhắc lại về thời hạn thanh tra”, đại biểu thẳng thắn.

ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cũng đề nghị giữ nguyên thời hạn thanh tra như Luật Thanh tra năm 2022 với các lý do đã được các đại biểu Quốc hội phân tích; đồng thời, nhấn mạnh, trong bối cảnh tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số thì nên nghiên cứu để tiếp tục rút ngắn thời hạn thanh tra hơn nữa.

ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) thẳng thắn, khoản 10, Điều 2 dự thảo Luật quy định: thời hạn thanh tra là khoảng thời gian được tính theo “ngày làm việc”. Kéo theo đó là các điều khoản khi nói về thời gian đều tính toán theo “ngày làm việc”. Và theo tính toán của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, nếu tính theo “ngày làm việc” thì tổng số ngày thanh tra kéo dài hơn so với Luật Thanh tra hiện hành.

“Từ khi có Luật Thanh tra năm 2004, sau đó là Luật Thanh tra năm 2010 và hiện nay là Luật Thanh tra năm 2022 thì đều quy định là “ngày” vì vậy cần hết sức cân nhắc, nhất là trong điều kiện cần cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính”, đại biểu nhấn mạnh.

ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phạm Thắng

Cũng liên quan đến thời hạn thanh tra, đại biểu chỉ rõ, khoản 2, Điều 29 dự thảo Luật quy định: “trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo để người ra quyết định thanh tra chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra”, từ “chuyển ngay vụ việc” cũng không định lượng được, “ngay” là trong vòng 24 giờ, hay 36 giờ, 48 giờ hay trong 3 - 5 ngày? Do vậy, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị cần định lượng thời gian cụ thể để dễ kiểm tra, kiểm soát.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Giải trình tại phiên họp của Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và cho biết, sẽ không quy định “ngày làm việc” như dự thảo Luật, mà chỉ quy định “ngày” như Luật hiện hành, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khong-keo-dai-thoi-han-thanh-tra-10373432.html