Không lạm dụng đề xuất một luật sửa nhiều luật, đảm bảo tính khả thi của văn bản

Đây là ý kiến được nhấn mạnh tại cuộc làm việc của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú với Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội về đề xuất bổ sung các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết vào Chương trình lập pháp năm 2026 diễn ra sáng 16/7. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Ngô Trung Thành cùng dự.

Dự cuộc họp còn có đại diện các đơn vị của Bộ Tư pháp, các Bộ chủ trì các đề xuất xây dựng Luật.

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và cho ý kiến 53 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong 6 tháng cuối năm 2025, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 49 văn bản.

Trong đó, tại Kỳ họp thứ 10, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua 4 văn bản (đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9); trình Quốc hội thông qua theo quy trình 01 kỳ họp 16 văn bản; trình Quốc hội cho ý kiến 2 văn bản; dự kiến đề xuất bổ sung vào Chương trình 25 văn bản. Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 văn bản (1 nghị quyết, 1 pháp lệnh).

Về đề nghị của Chính phủ về Chương trình lập pháp năm 2026, tính đến ngày 15/7, Bộ Tư pháp đã nhận được 38 dự án, các bộ, cơ quan ngang Bộ đề xuất vào Chương trình lập pháp năm 2026. Trên cơ sở rà soát các chủ trương, đường lối của Đảng, căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Tư pháp đề xuất một số nguyên tắc.

Thứ nhất, ưu tiên đưa vào Chương trình lập pháp năm 2026 các luật nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Thứ hai, ưu tiên đưa vào Chương trình lập pháp năm 2026 các luật nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo động lực tăng trưởng đột phá, bền vững.

Thứ ba, ưu tiên đưa vào Chương trình lập pháp năm 2026 các luật nhằm sửa đổi toàn diện, hoặc ban hành mới để thay thế các văn bản pháp luật được ban hành theo hình thức ủy quyền lập pháp, bảo đảm yêu cầu phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch.

Thứ tư, ưu tiên đưa vào Chương trình lập pháp năm 2026 các luật nhằm thay thế cơ chế xử lý vướng mắc tạm thời theo Nghị quyết số 206/2025/QH15 của Quốc hội, hướng tới sự ổn định, thống nhất và minh bạch trong hệ thống pháp luật.

Thứ năm, ưu tiên đưa vào Chương trình lập pháp năm 2026 các luật nhằm thể chế hóa các vấn đề mới, xu hướng mới theo yêu cầu của thời đại và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ.

Bộ Tư pháp dự kiến Chương trình lập pháp năm 2026 như sau, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XV (dự kiến tháng 3/2026), Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10; tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XVI (dự kiến tháng 5/2026), Chính phủ trình Quốc hội thông qua 4 dự án luật; tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XVI (dự kiến tháng 10/2026), Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 dự án luật, nghị quyết:

Tại cuộc làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận về đề xuất một luật sửa nhiều luật của các Bộ Tài chính; Công an; Nông nghiệp và Môi trường; Công thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhiều ý kiến phát biểu tán thành với quan điểm của Bộ Tư pháp cho rằng, việc áp dụng một luật sửa nhiều luật, nhất là những luật có nội dung không liên quan đến nhau gây khó khăn nhất định cho việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xây dựng một luật sửa nhiều luật dẫn đến việc rà soát từng dự án luật khó toàn diện, việc hợp nhất sau này rất phức tạp. Bên cạnh đó, việc một luật sửa nhiều luật dẫn đến sửa rất nhiều Nghị định, nội dung sửa các Nghị định quy định chi tiết các luật sẽ dễ chồng chéo, bỏ sót nội dung cần sửa đổi.

Do đó, chỉ nên đề xuất một luật sửa giới hạn một số luật. Các luật này phải đáp ứng các tiêu chí bao gồm nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ có liên quan chặt chẽ với nhau để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với văn bản mới được ban hành hoặc để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Các luật sửa đổi thuộc một cơ quan có trách nhiệm soạn thảo.

Các ý kiến nhấn mạnh yêu cầu về tính khả thi của việc xây dựng các dự án; chỉ đề xuất sửa các nội dung cần thiết, cấp bách, rõ nội dung sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, phải tuân thủ đầy đủ các quy trình, thủ tục, linh hoạt nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy định.

Các đại biểu cũng khẳng định, cần quán triệt tinh thần không lạm dụng đề xuất một luật sửa nhiều luật, đảm bảo tính khả thi, chất lượng của văn bản; đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật.

Về xây dựng và ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, các ý kiến đề nghị cần áp dụng nghiêm Điều 50, 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chỉ những dự án Luật nào nêu rõ được căn cứ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo khoản 1 Điều 50 mới cho phép áp dụng soạn thảo theo trình tự rút gọn.

Kết luận nội dung cuộc làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành phát biểu tại cuộc làm việc; trong đó có nêu ý kiến riêng của Bộ Tư pháp để trình lên Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khong-lam-dung-de-xuat-mot-luat-sua-nhieu-luat-dam-bao-tinh-kha-thi-cua-van-ban.html