Không lạm dụng paracetamol sủi bọt!
Thời gian gần đây, tại nhiều nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM cũng như một số tỉnh thành khác đang xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc Efferalgan.
Theo một số chuyên gia ngành dược: Việc khan hiếm Efferalgan (viên sủi) trên thị trường là do ảnh hưởng từ tình hình dịch COVID-19 đang bị “đứt” hàng và nhà phân phối sản phẩm này đang thực hiện các bước đưa hàng về. Tuy nhiên, VẤN ĐỀ NÀY CŨNG ĐANG dấy lên lo ngại về khả năng nhiều người có triệu chứng sốt tự ý mua thuốc điều trị, gây khó khăn cho việc sàng lọc bệnh nhân có nguy cơ mắc COVID-19.
Không lạm dụng
Efferalgan là thuốc chứa paracetamol dạng sủi bọt dùng trị sốt, đau nhức khi bị cảm cúm. Người hiểu biết về thuốc cho rằng có tình trạng khan hiếm thuốc loại này có thể do tình trạng lạm dùng, dùng bừa bãi thuốc trị các triệu chứng do dịch Covid-19 nếu bị mắc gây ra.
Tại nhiều nhà thuốc, giá thuốc Efferalgan được bán với giá 70 - 80 ngàn đồng/ hộp, tăng khoảng
40% so với trước khi có dịch COVID-19
Paracetamol là thuốc giảm đau hạ sốt dùng rất phổ biến hiện nay. Paracetamol tuy an toàn hơn aspirin trong một số trường hợp (gần như không làm viêm loét dạ dày như aspirin hay thuốc chống viêm không steroid khác), ta vẫn phải lưu ý độc tính của nó đối với gan. Người ta ghi nhận đã có khá nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol dẫn đến hoại tử tế bào gan, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc ở người có chức năng gan hoạt động kém. Paracetamol gây nhiễm độc gan là do dùng quá liều. Tại sao paracetamol gây độc ở gan?
Paracetamol được chuyển hóa chủ yếu ở gan. Trong cơ thể, paracetamol được chuyển hóa hình thành chất chuyển hóa trung gian là N-acetyl benzoquinoneimin là chất độc. Khi sử dụng với liều thông thường, chất này sẽ nhanh chóng được khử độc tính bởi glutathion (do gan tiết ra) và thải qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi sử dụng liều quá cao, không đủ glutathion do gan tiết ra chuyển hóa thàng chất không độc, lượng N-acetyl benzoquinoneimin tạo thành tăng lên, sẽ hại tế bào gan, gây hoại tử gan dẫn đến hôn mê gan. Cần ghi nhận, paracetamol vẫn có thể gây tổn thương gan ngay cả ở liều điều trị nếu sử dụng trong thời gian dài, đặc biệt trên những bệnh nhân có chức năng gan thay đổi hoặc người cao tuổi.
Vậy, nên lưu ý: Không được dùng paracetamol để tự điều trị cảm sốt, giảm đau quá 10 ngày ở người lớn và quá 5 ngày ở trẻ con, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.
Liều dùng an toàn
Với thuốc thông thường paracetamol, khi người dùng thuốc paracetamol ít nhất phải biết thông tin về liều dùng của paracetamol như sau: “Liều thông thường hạ sốt cho trẻ là 10mg/kg cân nặng, ngày uống 3-4 lần, và liều tối đa cho trẻ là không quá 60 mg/kg/ngày. Còn đối với người lớn, mỗi lần uống 500mg, ngày uống 3-4 lần, không nên quá 4 gram trong ngày. Riêng đối với người cao tuổi nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan kém”. Chính vì dùng bất kể liều lượng mà trong thời gian qua, đã có nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol, đa số là trẻ con.
Đối với người lớn, liều thông thường của paracetamol không nên quá 4g/ngày (mỗi lần chỉ nên dùng 500mg-1.000mg, một ngày không quá 3 lần). Riêng người cao tuổi, nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan đã kém. Đặc biệt lưu ý việc dùng nhiều thuốc với tên biệt dược khác nhau, nhưng thực chất chứa cùng một hoạt chất là paracetamol. Như đã dùng Efferalgan, thực chất là paracetamol, rồi lại dùng thêm thuốc có chứa paracetamol khác.
Người uống rượu nhiều càng không nên dùng bừa bãi paracetamol, đặc biệt không nên uống thuốc với mục đích “ngừa nhức đầu, để uống rượu không say”.
Người bị bệnh tăng huyết áp hay người cao tuổi có nguy cơ tăng huyết áp không dùng thuốc dạng sủi bọt là Efferalgan trị cảm cúm, nhức đầu (kể cả các thuốc khác ngoài thuốc trị cảm cúm, nhức đầu như thuốc bổ vitamin dạng sủi bọt). Vì dạng thuốc sủi bọt này luôn chứa natri có thể gây tăng huyết áp đối với người bị sẵn bệnh lý này và đang kiêng muối.
Cần ghi nhận, paracetamol vẫn có thể gây tổn thương gan ngay cả ở liều điều trị nếu sử dụng trong thời gian dài, đặc biệt trên những bệnh nhân có chức năng gan thay đổi hoặc người cao tuổi. Không được dùng paracetamol để tự điều trị cảm sốt, giảm đau quá 10 ngày ở người lớn và quá 5 ngày ở trẻ con, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khong-lam-dung-paracetamol-sui-bot-n174600.html