Không làm tăng chi phí tuân thủ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh

Các quy định về trách nhiệm thẩm định quy chuẩn Việt Nam và chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở là hai nội dung có thay đổi so với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần đánh giá tác động, sự cần thiết để không làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm sự minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong nước và quốc tế.

Làm rõ cơ sở của việc thống nhất đầu mối thẩm định quy chuẩn Việt Nam

Trên thực tế, tại khoản 9 Điều 1, dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ Tám đã quy định giao trách nhiệm thẩm định cho các cơ quan ban hành quy chuẩn Việt Nam. Theo đó, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sẽ xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý. Quy định theo hướng này nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của các cơ quan trong quá trình xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn Việt Nam.

Tuy nhiên, tại Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30.7.2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo, có quy định tiếp tục kiện toàn tổ chức hoạt động cơ quan tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng chỉ một đầu mối cấp quốc gia để quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Do vậy, việc quy định như dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ Tám chưa thể chế hóa quan điểm chỉ đạo tại Chỉ thị số 38-CT/TW.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến và thể chế hóa kịp thời Chỉ thị số 38-CT/TW, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thống nhất với Cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 32 dự thảo Luật theo hướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm quyền chủ trì thẩm định quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của quy định này.

Phương án mới được đề xuất trên thực tế là quay trở lại áp dụng theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, tức là Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì thẩm định, các bộ, ngành vẫn ban hành quy chuẩn Việt Nam thuộc lĩnh vực được giao quản lý. Cho rằng “nếu áp dụng theo phương án mới đề xuất thì với một quy chuẩn kỹ thuật sẽ có hai cơ quan cùng chịu trách nhiệm”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, làm rõ về quan điểm và gắn với đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, bảo đảm các nguyên tắc về phân cấp, phân quyền, một việc chỉ do một cơ quan trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Giải trình về việc tại sao cần có một đầu mối thẩm định quy chuẩn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, thực tế để các bộ chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc thẩm định và ban hành quy chuẩn quốc gia đã nảy sinh tình trạng có hai quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về khí thải xe máy, do hai Bộ ban hành dù cùng một nội dung.

Mặt khác, trong quá trình thẩm định các quy chuẩn Việt Nam thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phát hiện có rất nhiều vấn đề vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế (TBT) và sau khi có ý kiến của các tổ chức quốc tế đã phải gỡ bỏ thông tư và quy chuẩn kỹ thuật về lĩnh vực đó. “Có những đơn vị sau khi rà soát đã phải kiểm soát đến hàng chục văn bản như vậy. Đây là thực tế dẫn tới việc cần có một đầu mối thống nhất quản lý nhà nước cũng như kiểm soát tính hệ thống”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ.

Cần đổi mới công tác quản lý nhà nước, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám đều không quy định nội dung chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở.

Nhưng, qua khảo sát thực tế và tổng kết thi hành Luật hiện hành, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, có tình trạng nhiều tiêu chuẩn cơ sở được xây dựng mang tính đối phó, không quy định đầy đủ các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật bảo đảm quản lý chất lượng, kiểm soát an toàn…

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, hội, hiệp hội có đủ nguồn lực, hạ tầng công nghệ nên xây dựng tiêu chuẩn cơ sở có chất lượng tốt, được nhiều tổ chức khác có nhu cầu áp dụng.

Thực tế đang phát sinh yêu cầu chứng nhận sự phù hợp đối với các tiêu chuẩn cơ sở do các doanh nghiệp, tập đoàn, hội, hiệp hội đó tự xây dựng, đồng thời giúp các doanh nghiệp khác có thể sử dụng tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp này nếu được sự đồng ý.

 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Do vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đưa ra hai phương án. Theo đó, phương án 1 - không bổ sung quy định chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở và giữ như Luật hiện hành. Phương án 2 - bổ sung quy định việc chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở và giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện tiêu chuẩn cơ sở được sử dụng để chứng nhận sự phù hợp.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lựa chọn phương án 2; đồng thời đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo có đánh giá tác động, nghiên cứu quy định điều kiện thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hậu kiểm.

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định giải trình về việc tại sao cần có một đầu mối thẩm định quy chuẩn Việt Nam. Ảnh: Hồ Long

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định giải trình về việc tại sao cần có một đầu mối thẩm định quy chuẩn Việt Nam. Ảnh: Hồ Long

Phương án 1 có ưu điểm là phù hợp với khả năng của các cơ quan quản lý nhà nước nhưng lại chưa phát huy được nguồn lực xã hội để góp phần nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm, dịch vụ, sức cạnh tranh. Trong khi đó, ưu điểm của phương án 2 là sẽ góp phần thúc đẩy xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, góp phần nâng cao hạ tầng chất lượng quốc gia, hạn chế tình trạng “không quản được thì cấm”.

Chỉ rõ vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tán thành với phương án 2 và nhấn mạnh cơ quan quản lý cần cải tiến, đổi mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, không thể vì khó quản lý mà gây cản trở cho sự phát triển năng động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiêu chuẩn cơ sở là do các doanh nghiệp, cơ sở tự nguyện ban hành và tự giác thực hiện để bảo đảm chất lượng hàng hóa của đơn vị. Nếu bổ sung quy định về việc chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở sẽ dễ làm phát sinh thêm thủ tục, quy trình, tức là phát sinh thêm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần nêu rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở lý luận thực tiễn, ưu, nhược điểm của từng loại ý kiến và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

“Cần phải đánh giá rõ tác động, sự cần thiết để không làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm sự minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong nước và quốc tế”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khong-lam-tang-chi-phi-tuan-thu-bao-dam-canh-tranh-lanh-manh-post401339.html