Sau kỷ lục xuất khẩu, lúa gạo lao dốc ngay đầu năm
Thị trường lúa gạo 'bốc hơi' rất mạnh ngay từ đầu năm 2025 khi vụ đông xuân mới thu hoạch sớm ở một số nơi. Trong vòng một tháng qua giá lúa chất lượng cao đã giảm 2.800- 3.200 đồng/kg, mức giảm giá mạnh nhất từ năm 2023 đến nay.
Kết thúc năm 2024, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã lập kỳ tích về xuất khẩu với khối lượng bán ra khoảng 9 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 5,75 tỉ đô la Mỹ, tăng 11% về khối lượng, nhưng trị giá tăng đến khoảng 23% (tương đương tăng trên 1,3 tỉ đô la Mỹ) so với năm trước đó. Điều này cho thấy, giá bán gạo năm 2024 của Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2025, tình hình đã có sự thay đổi rất nhanh chóng khi thị trường nội địa lẫn xuất khẩu lao dốc rất mạnh. Điều này, dẫn đến tình trạng thương lái tháo chạy, nông dân gặp khó.
Cả thương lái lẫn nông dân đều gặp khó
Cách đây đúng một tháng, thương lái thu mua lúa Đài Thơm 8 và các giống hạt dài chất lượng cao OM5451, OM18 với mức giá dao động từ 9.000 đến 9.300 đồng/kg. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các loại giống này được thương lái ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu mua với mức giá chỉ còn 5.800-6.500 đồng/kg (tùy loại và khu vực).
Với diễn biến thị trường nội địa như nêu trên đồng nghĩa trong vòng một tháng qua giá lúa chất lượng cao đã giảm 2.800- 3.200 đồng/kg, mức giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2023 đến nay.
Trong khi đó, báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá xuất khẩu gạo được doanh nghiệp chào bán đã giảm rất sâu, hiện chỉ còn 460-464 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm; 432-436 đô la Mỹ/tấn với phân khúc 25% tấm và 625-629 đô la Mỹ/tấn đối với gạo thơm Jasmine.
Với giá chào xuất khẩu như nêu trên có nghĩa gạo Việt Nam đã “bốc hơi” 60 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm trong vòng một tháng qua; gạo 25% tấm và gạo thơm Jasmine cũng lần lượt giảm 53 và 66 đô la Mỹ/tấn trong một tháng qua.
Việc thị trường lúa gạo biến động mạnh đã dẫn đến tình trạng thương lái bỏ cọc hoặc yêu cầu nông dân giảm giá bán để tiếp tục thực hiện giao dịch.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Bình, một thương lái mua lúa ở khu vực huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp thừa nhận, tất cả các hợp đồng đã đặt cọc trước đó đều phải “đàm phán” lại với nông dân. “Hộ nào đồng ý giảm giá, chia sẻ rủi ro thì tiếp tục thực hiện, còn hộ nào không đồng ý thì chịu mất cọc (2-3 triệu đồng/héc ta)”, ông nói và cho biết, giá thị trường giảm quá nhanh, trở tay không kịp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, nông dân sản xuất lúa ở khu vực huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, sau khi thương lượng, nông dân chấp nhận giảm cho thương lái từ mức 8.700 đồng/kg xuống còn 7.000 đồng/kg, tức giảm 1.700 đồng/kg so với mức giá khi đặt cọc đối với giống Đài Thơm 8. “Đến khi thu hoạch có kêu giảm tiếp hay không thì chưa biết”, ông nói.
Cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tạm trữ
Trao đổi với KTSG Online về lý do khiến thị trường lúa gạo lao dốc mạnh trong một thời gian ngắn, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV cho rằng, do tác động từ nhiều nguyên nhân, trong đó, có việc các quốc gia nhập khẩu gạo lớn đang nghiên cứu chính sách tiết kiệm, tránh nhập khẩu gạo giá cao, thậm chí tuyên bố không mua gạo năm 2025.
Hai thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam là Philipines và Indonesia đã gia tăng nhập khẩu gạo năm 2024 (năm 2024 Philippines nhập 4,6 triệu tấn), giúp tồn kho ở mức “an toàn” cho vấn đề an ninh lương thực trong ngắn hạn nên không vội mua gạo nên họ đang chờ đợi giá gạo xuống, ông Thành nói thêm.
Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại trong năm 2024, trong khi đây là nguồn cung dồi dào, với giá rẻ cũng đã tác động tiêu cực đến thị trường lúa gạo thế giới, trong đó có Việt Nam. Gần đây có thông tin Philippines đang đàm phán để ký hợp đồng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ nhiều hơn cũng tác động tiêu cực đến Việt Nam, chủ tịch HĐQT Phước Thành IV cho biết.
Song song đó, các khách hàng tư nhân từ Philippines vốn thương xuyên mua gạo của Việt Nam cũng hạn chế mua do vấn đề cân đối tài chính, quay vòng vốn hay trả nợ ngân hàng cũng là yếu tố khiến thị trường kém lạc quan.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng đồng quan điểm khi cho rằng, một số thông tin trong nước và quốc tế được công bố gần đây, bao gồm sản lượng lương thực 2025 dồi dào hay động thái cấm tư nhân nhập khẩu gạo để chuyên giao về cơ quan quản lý Nhà nước của Philippines chính là những yếu tố tiêu cực, khiến thị trường bị tác động mạnh.
Tuy nhiên, ông Bình cảnh báo, dù nguồn cung thế giới có thể dồi dào, nhưng gạo Việt Nam đã được định vị ở một phân khúc khác so với Ấn Độ và Thái Lan, trong khi thị trường lại rất chuộng gạo Việt Nam, cho nên phải thận trong trong việc đàm phán ký kết.
Dù thị trường kém lạc quan ở thời điểm hiện tại, nhưng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra dự báo Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam - vẫn tăng lượng mua trong năm 2025, đạt 5 triệu tấn do triển vọng sản lượng sản xuất trong nước năm 2025 giảm.
Theo một nguồn tin riêng của KTSG Online, với diễn biến thị trường vụ đông xuân như hiện nay, khả năng bước sang vụ hè thu 2025 diện tích sản xuất của Việt Nam sẽ bị thu hẹp. Do đó, doanh nghiệp ký hợp đồng dài hạn giá thấp rất có thể sẽ thua lỗ trong tương lai khi thị trường "sốt giá" trở lại.
Trước diễn biến thị trường như hiện nay, ông Thành của Phước Thành IV, cho rằng các bộ, ngành liên quan cần sẵn sàng có chính hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có thể tăng cường dự trữ.
“Trước mắt, doanh nghiệp cần chủ động tài chính, khi giá lúa gạo thấp nên đưa vào tạm trữ”, ông Thành cho biết và nói rằng, trường hợp xấu hơn Nhà nước nên hỗ trợ về lãi suất để ngân hàng thương mại cung cấp vốn ưu đãi cho doanh nghiệp mua lúa gạo tạm trữ, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Tôi nghĩ, với nguồn lực của Việt Nam và doanh nghiệp xuất khẩu gạo, chúng ta đủ nguồn lực để tạm trữ, giúp kềm giữ giá lúa”, ông Thành cho biết.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/sau-ky-luc-xuat-khau-lua-gao-lao-doc-ngay-dau-nam/